Thứ Tư, 24/4/2024
Luận điểm cơ bản về xây dựng Nhà nước ta trong bài báo “Dân vận” của Bác Hồ

Luận điểm “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” nằm ở phần kết luận đoạn mở đầu của bài báo - theo tôi hiểu, đoạn này được Bác Hồ coi như là tiền đề công tác Dân vận trong điều kiện Đảng ta đã giành được chính quyền. Để đi đến kết luận: “Nước ta là nước dân chủ”, Bác Hồ giải thích vắn tắt:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Để hiểu nguồn gốc quyền hành và lực lượng của Nhà nước kiểu mới, cần làm rõ một số luận điểm sau:

1. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Mọi hành động của con người và mọi cuộc cách mạng đều nhằm mục tiêu lợi ích, có điều là lợi ích đó thuộc về ai, giai cấp nào, thuộc đa số hay thiểu số? Nhân dân ta chịu biết bao hy sinh, gian khổ đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ vùng lên làm cách mạng, giành lấy chính quyền cũng chính vì lợi ích của dân tộc, của gia đình, cộng đồng và bản thân mình nhằm thoát khỏi kiếp sống nô lệ, có được độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc. Đảng ta và Bác Hồ thấu hiểu được chân lý đó, đã giương cao lá cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước kiểu mới, nhà nước dân chủ. Mọi hoạt động của nhà nước dân chủ do nhân dân lập lên phải quán triệt sâu sắc “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, chứ không vì bất cứ mục tiêu nào khác. Nhà nước ta đã tập hợp và phát huy sức mạnh ngày càng đông đảo nhân dân trong việc mưu cầu hạnh phúc cho dân, xây dựng và bảo vệ Nhà nước ngày càng vững mạnh.


 Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng
xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vào năm.1954 (Ảnh tư liệu)

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” cũng là phép thử quan trọng nhất để phân biệt bản chất các loại nhà nước. Dù với bất kỳ danh hiệu gì, nhưng nếu nhà nước đó không lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm hàng đầu, không giành mọi thuận lợi cho dân mà chỉ giành thuận lợi về phía cơ quan quản lý thì không thể nói đó là nhà nước của nhân dân, nhà nước dân chủ. Hiện nay Chính phủ đang sử dụng chỉ số về sự hài lòng của người dân để đo chất lượng và hiệu quả cải cách hành chính của các cấp và ngành là đúng đắn và cần được ủng hộ. Sự hài lòng của người dân cũng là thước đo cho các chủ trương chính sách cụ thể. Trong các cuộc vận động, người ta hay đề ra nhiều “tiêu chí” để dễ đánh giá, như 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay, nhưng sự hài lòng của người dân chính là một tiêu chí tổng quát và chính xác nhất. Bác Hồ còn dặn dò chúng ta: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” cũng là phương hướng tu dưỡng rèn luyện tư tưởng quan trọng nhất của mỗi cán bộ, đảng viên và công chức. Bác Hồ hết sức coi trọng điểm này trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công chức; bản thân Bác tự mình làm gương bằng cả cuộc đời hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của mình. Nó là cơ sở tư tưởng của các phương châm trong công tác dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Bác luôn nhắc nhở cán bộ, công chức coi việc “kiếm được” một chỗ đứng trong hệ thống, tranh thủ được những vị trí “có chức, có quyền” là tranh thủ vun vén lợi ích của mình, xâm phạm lợi ích của nhân dân.

2. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Nói đến nhà nước là nói đến quyền hành, quyền lực, quyền hạn. Nhà nước quản lý và tổ chức xã hội bằng “quyền” của mình, thông qua luật pháp. Trong bài “Dân vận”, Bác Hồ sử dụng khái niệm “quyền hạn”, theo tôi đây là cách dùng từ rất thích hợp, vì nói lên quyền lực, quyền hành về bản chất là của ai trong chính quyền nhân dân. Nhân dân làm cách mạng giành được chính quyền thì “quyền hành”, “quyền lực” phải thuộc về nhân dân. Nhân dân “ủy quyền” cho nhà nước một phần quyền hành, quyền lực của mình theo Hiến pháp, pháp luật để nhà nước thực hành phận sự trước nhân dân. Ngay cả quyền lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là do sự ủy quyền của nhân dân.

Sự ủy quyền không phải là tất cả hoặc lúc nào cũng như nhau. Xã hội càng phát triển, trình độ dân trí càng cao thì quyền hạn được ủy quyền cho nhà nước có xu hướng ngày càng thu hẹp, quyền của dân ngày càng tăng lên. Lý thuyết “Xã hội lớn, nhà nước nhỏ” hay luận điểm “Nhà nước tiêu vong” của C.Mác là như vậy. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được thông qua năm 2013 đã phản ánh đúng thực tế này khi nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân, phải hiến định ngày càng nhiều quyền dân chủ trực tiếp của người dân như: tổ chức việc trưng cầu ý dân; giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Các hình thức dân chủ trực tiếp khác đã có những bước phát triển mới, tác động tích cực đến xã hội như “truyền hình trực tiếp”, “chất vấn trực tiếp” tại diễn đàn Quốc hội, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn…

Chủ trương xây dựng và thi hành Quy chế dân chủ ở cơ sở về thực chất cũng là phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân… Ngay quyền lực được giao cho nhà nước cũng phải được giám sát, kiểm soát, để không xảy ra tình trạng lạm quyền vì xu hướng lạm quyền rất dễ xảy ra khi đã có quyền lực ở trong tay.

Gần 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta ngày càng nhận rõ: nếu dân chủ trực tiếp được phát huy thì thực hiện dân chủ của người dân mới thực sự đầy đủ. Đây là xu thế chung của nhân loại. Bác Hồ đã giải thích một cách dễ hiểu: Dân chủ là người dân được mở miệng.

Việc phát huy dân chủ hay phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là vấn đề lý luận, vừa là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong các phát biểu gần đây đều nhấn mạnh, coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được nhân dân đồng tình, đón nhận. Tuy nhiên, không chỉ nhấn mạnh phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Thực tế còn có mặt thứ hai là chấp hành pháp luật, thực hiện kỷ cương không nghiêm. Không nên “đánh đổ đồng” cả 2 mặt này rồi đổ lỗi cho ta vừa qua quá nhấn mạnh dân chủ hoặc do “trình độ dân trí” thấp; ngược lại, nhiều khi lại do chính mặt yếu thứ nhất gây ra. Nhưng dù thế nào thì việc tăng cường vận động giáo dục, thực hành nghiêm pháp luật, kỷ cương lúc này cũng hết sức quan trọng và cấp bách, không chỉ trong nhân dân mà cả trong hệ thống chính trị, nhằm xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. Có như vậy xã hội ta mới tiến lên được.

3. Mọi lực lượng đều ở nơi dân

Bác Hồ nói rất nhiều về lực lượng vĩ đại của nhân dân, của dân tộc Việt Nam ta. Ông cha ta đã từng khẳng định: “Chúng chí thành thành” (Trần Quốc Tuấn), “Chở thuyền là dân, lật thuyền là dân” (Nguyễn Trãi)… Khi nói về nhân dân, con mắt của Bác thường bao quát toàn bộ dân tộc, nhấn mạnh “Tất cả lực lượng của mọi người dân, không bỏ sót một người dân nào”; Đảng phải coi đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài; đoàn kết phải chân thành, triệt để, rộng khắp.

Sức mạnh của nhân dân to lớn như vậy nhưng nếu nhân dân được tổ chức thì sức mạnh ấy còn tăng lên gấp bội. Trong bài “Dân vận”, Bác Hồ yêu cầu: Dân vận phải giúp nhân dân “hợp thành lực lượng toàn dân” (ta hiểu ngày nay tức là làm sao mọi người dân phải đoàn kết trong một mặt trận rộng rãi, trong các đoàn thể, tổ chức nhân dân…). Tư tưởng của Bác về lập ra Mặt trận và các đoàn thể để tổ chức, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội mới, một xã hội do nhân dân thực sự làm chủ.

“Tất cả lực lượng của mọi người dân…” thì “tất cả” có nghĩa không chỉ là lực lượng vật chất mà còn bao gồm cả lực lượng tinh thần. Đảng phải biết cách khai thác sức mạnh trí tuệ của nhân dân, nhất là trong những khúc quanh của lịch sử. Nhân dân ta không những có lòng yêu nước nồng nàn mà còn rất thông minh, sáng tạo. Bác Hồ đã từng nói: Có những việc cấp trên nghĩ mãi không ra nhưng dân chúng đã có sẵn lời giải. Trong nhân dân có câu mà Bác thường nhắc: “Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Ngày nay, toàn dân tộc đang đứng trước hai câu hỏi lớn: Làm sao để nước ta sớm thoát khỏi tình trạng ngày càng tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực, vươn lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”? Làm sao giữ được độc lập tự chủ trong môi trường hòa bình ở một thế giới đa cực, không trở thành “con tốt” trên bàn cờ các nước lớn, nhất là bên cạnh ta là một cường quốc khổng lồ đang vươn lên nhưng lại vẫn mang trong mình “máu bành trướng” từ hàng nghìn năm nay? Bài toán cực kỳ phức tạp và nan giải. Không có cách nào khác là phải dựa vào trí tuệ và sức sáng tạo của nhân dân để giải bài toán này. Nhiều ý kiến nêu kiến nghị ta cần có “Hội nghị Diên hồng” mới. Những ý kiến đó cần được lắng nghe để mở ra những “diễn đàn toàn dân bàn việc nước”, nhất là trong dịp Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới. Trong các lực lượng nhân dân, cần hết sức chú ý lắng nghe những ý kiến khác nhau, miễn là với động cơ xây dựng, tạo sự đồng thuận, củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, hết sức tránh thái độ nghi ngờ, chụp mũ.

Là một cán bộ cả cuộc đời làm công tác dân vận, tôi chân thành xin đóng góp một vài ý kiến như trên để cùng các đồng chí bàn bạc, tham khảo./.

Đỗ Quang Tuấn - Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương/ Tạp chí Dân vận số 10/2014

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất