Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Khi thiết lập chế độ bảo hộ đối với Việt Nam, Pháp nhân danh Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các chính quyền miền Nam Việt Nam sau này cũng đều phản đối kiên quyết tất cả các trường hợp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cứ liệu lịch sử các giai đoạn tiếp theo
Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ đối với Việt Nam theo Hiệp ước ngày 6/6/1884, Pháp nhân danh Việt Nam thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
|
Vùng Cảnh sát biển 2 luôn đồng hành với ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)
|
Trong thời kỳ đầu, các nhà cầm quyền Pháp đã có phương án dựng một đèn biển ở quần đảo Hoàng Sa, tiến hành các cuộc tuần tiễu trong vùng biển hai quần đảo bằng các tàu chiến để đảm bảo an ninh.
Từ năm 1925 đến năm 1927, Viện Hải dương học Nha Trang cử tàu De Lanessan ra cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để nghiên cứu về hải dương, địa chất, sinh vật…
Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alert, La Malicieuse và cả tàu De Lanessan liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa.
Từ năm 1930 đến năm 1933, các đơn vị hải quân Pháp lần lượt đóng tại các đảo chính của quần đảo Trường Sa, gồm Trường Sa, An Bang, Ba Bình, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ.
Việc này được công bố trong Công báo của nước Cộng hòa Pháp ra ngày 26/7/1933. Cũng trong năm 1933, quần đảo Trường Sa được quy thuộc vào tỉnh Bà Rịa theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer.
Năm 1938, quần đảo Hoàng Sa được nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Nhà cầm quyền Đông Dương đã cho một đơn vị quân đội ra đóng tại quần đảo Hoàng Sa và lập các trạm khí tượng, vô tuyến điện, xây dựng thêm bia chủ quyền, đèn biển.
Đầu năm 1939, Nhật Bản tuyên bố đặt một số đảo của quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của họ, Pháp đã chính thức phản kháng. Từ năm 1939 cho đến hết cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản đã chiếm đóng cả hai quần đảo này.
|
Tàu cá của ngư dân vào neo đậu tránh trú bão
ở âu tàu Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa
|
Khi trở lại Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ hai, đầu năm 1947, Pháp đã yêu cầu Trung Quốc rút khỏi các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép từ cuối năm 1946. Pháp đã cho quân đến thay thế quân đội Trung Quốc và xây dựng lại trạm khí tượng và đài vô tuyến điện.
Năm 1956, khi rút khỏi Đông Dương, Pháp đã chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho nhà cầm quyền Sài Gòn. Nhà cầm quyền Sài Gòn đã cho quân ra tiếp quản hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xây dựng các bia chủ quyền tại các đảo chính, duy trì các trạm khí tượng (các trạm này đã được đăng ký vào danh mục các trạm của Tổ chức Khí tượng thế giới OMM), cử các đoàn khảo sát khoa học ra nghiên cứu.
Lợi dụng việc Pháp rút khỏi Đông Dương, năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân ra xâm chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1974, lợi dụng việc quân đội chính quyền Sài Gòn phải đối phó với cuộc tiến công của lực lượng vũ trang của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trung Quốc dùng không quân và hải quân chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.
Lúc đó chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên bố kịch liệt phản đối và đã thông báo cho các nước và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về sự kiện này. Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã công bố lập trường 3 điểm bao gồm đề nghị các bên liên quan phải cùng nhau thương lượng để giải quyết vấn đề.
Trong tất cả các trường hợp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các chính quyền miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phản đối kiên quyết.
Những hội nghị quốc tế
Trước và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét.
- Tại Hội nghị Cairo (tháng 11/1943), khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, những người đứng đầu các nước Anh, Mỹ và Cộng hòa Trung Hoa đã họp tại Cairo, thủ đô Ai Cập. Tuyên bố Cairo không ghi nhận quần đảo Paracel tức Hoàng Sa và Spratly tức Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
- Tại Hội nghị Potsdam (tháng 7/1945), những người đứng đầu 3 nước Liên Xô, Mỹ, Anh lại ra tuyên bố xác nhận lại một lần nữa Tuyên bố Cairo.
- Tại Hội nghị hòa bình San Francisco (tháng 8/1951) với sự tham gia của 51 quốc gia, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận.
|
Chiến sỹ đảo Núi Le nâng cao cảnh giác, vững vàng tay súng
bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc
|
Tại Hội nghị này, trưởng đoàn đại biểu chính quyền Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền lâu đời của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào của 50 quốc gia tham dự còn lại. Sự kiện đó chứng tỏ Hội nghị San Francisco đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Hội nghị Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do các lực lượng của Pháp và Quốc gia Việt Nam quản lý.
- Điều 1 Hiệp định Paris năm 1973 nói rõ tất cả các nước tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý, và là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Như vậy, theo luật pháp quốc tế đương thời về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia được coi là có chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ khi quốc gia đó chứng minh được mình đã chiếm hữu, thực thi, quản lý và khai thác lãnh thổ đó với tư cách Nhà nước một cách liên tục, hòa bình. Theo đó, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Một số sự kiện liên quan đến việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam
Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm vào các năm: Năm 1946, lấy cớ giải giáp quân Nhật ra chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; năm 1956 đối với bộ phận phía Đông của quần đảo Hoàng Sa; năm 1974 đối với bộ phận phía Tây quần đảo Hoàng Sa; và năm 1988 đối với một số đá, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.
Từ góc độ của luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp.
Từ sau năm 1988, Trung Quốc tiến hành cải tạo, xây dựng, biến một số thực thể địa lý ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo lớn, đủ để xây dựng và bố trí các thiết bị quân sự hải, lục, không quân hiện đại.
Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa tàu thăm dò dầu khí vào bãi Tư Chính (năm 1994), đưa giàn khoan Kantan 03 vào khoan thăm dò trên thềm lục địa Việt Nam (năm 1997), thực hiện một số vụ cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, trong đó có tàu Bình Minh 02 (năm 2011), đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam (năm 2014).
Từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 nhiều lần khảo sát trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Căn cứ vào UNCLOS 1982, khu vực mà Trung Quốc đưa tàu vào hoạt động không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn mà là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
|
Gần đây nhất, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa,” ngày 19/4/2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lê tiếng phản đối mạnh mẽ:
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan, vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.”
Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế
Với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Việt Nam trước sau như một khẳng định nhất quán kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các quần đảo, các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như đã được quy định theo luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
|
Chiến sỹ Trường Sa ngày đêm canh gác biển trời Tổ quốc
|
Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - là văn bản pháp quy đầu tiên và là cơ sở nền tảng cho các văn bản pháp quy sau này.
Tuyên bố xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác.
Tuyên bố này được đưa ra khi Công ước Luật Biển 1982 đang được xây dựng, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật Biển lần thứ 3, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa tiến bộ luật biển quốc tế.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.
Đồng thời, Nghị quyết còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982.
Là thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý.
Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.
|
Trẻ em vui đùa trên đảo Trường Sa Lớn
|
Phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Cùng với việc ban hành Luật Biển, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Biên giới quốc gia (2003), Luật Hàng hải 2015, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015)…
Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế./.
|
Lá cờ Tổ quốc làm từ gốm trên nóc nhà văn hóa đảo Trường Sa Lớn |
(TTXVN)