Thứ Tư, 15/1/2025
Tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật về chủ quyền biển, đảo

 Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Sở Thông tin và Truyền thông phía Bắc, cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, thông tin báo chí - xuất bản, các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, Việt Nam có đường bờ biển kéo dài trên 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ với hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ… Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã ý thức được tầm quan trọng và luôn coi việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị Trung ương VIII (khóa XII), Đảng đã khẳng định, “biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết, ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân về chủ quyền biển đảo còn hạn chế; nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển, phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ…; công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Chính vì vậy, tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng, Nhà nước đã tiếp tục đề ra một số chủ trương lớn để phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân và của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới như: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” và “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế"…

Quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 9/8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch tuyên truyền về biển và hải đảo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông giai đoạn 2022 - 2025 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về biển, đảo, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với các đối tượng là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên - những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách thông qua các sản phẩm báo chí, phóng sự của mình để để đưa các quan điểm, đường lối của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Tám của Đảng về công tác giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc đất nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu nghe TS. Trần Công Trục (nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao) trình bày về "Tình hình thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm gần đây". Trung tá, TS. Nguyễn Thanh Minh (Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ - Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam) trình bày về "Vị trí, vai trò quan trọng của biển và đại dương, chính sách, pháp luật của Việt Nam về biển và hải đảo; Lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông"./.

Hoàng Phong

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất