Thứ Ba, 21/1/2025
Vì sao 28 tỉnh, thành giáp biển của Việt Nam có biển báo “Khu vực biên giới biển?

 Đồng chí Nguyễn Mạnh Đông - Vụ trưởng Vụ biển - Ủy ban Biên giới quốc gia 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Đông - Vụ trưởng Vụ biển - Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết:

Việc cắm biển "khu vực biên giới biển" là thực hiện theo Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 3/9/2015 của Chính phủ về "Quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Theo nghị định này, khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu có 26 khu vực biên giới biển, trong đó nhiều nhất là TP Vũng Tàu với 14 khu vực, huyện Xuyên Mộc có bốn, huyện Long Điền có ba, thị xã Phú Mỹ có hai, huyện Đất Đỏ có hai và huyện Côn Đảo là một khu vực biên giới biển.

Việc quy định "Khu vực biên giới biển" nhằm quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển của Việt Nam.

Về vị trí mẫu biển báo được cắm ở đâu, khu vực nào sẽ do Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển về vị trí cắm biển báo.

Vậy đường biên giới quốc gia trên biển được xác định như thế nào?

Theo Khoản 3 Điều 5 Luật biên giới quốc gia năm 2003 quy định: "Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan".

Theo Điều 5 Nghị định 140/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2004 quy định chi tiết một số điều của Luật biên giới quốc gia quy định: "Biên giới quốc gia trên biển là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của các quần đảo Việt Nam. Ở những nơi lãnh hải, nội thủy hoặc vùng nước lịch sử của Việt Nam tiếp giáp với lãnh hải, nội thủy hoặc vùng nước lịch sử của Việt Nam tiếp giáp với lãnh hải, nội thủy hoặc vùng nước lịch sử của nước láng giềng, biên giới quốc gia trên biển được xác định theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước láng giềng đó". 

Việc xác định ranh giới ngoài của lãnh hải thì dựa trên đường cơ sở của Việt Nam đã được công bố ngày 12-11-1982. Đường cơ sở thẳng của Việt Nam năm 1982 là hệ thống đường cơ sở thẳng gồm 11 đoạn đi từ điểm 0 nằm trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và đảo Pollu Wai (Campuchia) qua các điểm A1-A11 nối liền các đảo chạy dọc theo bờ biển Việt Nam, trừ phần bờ biển trong vịnh Bắc Bộ.

Như vậy, biên giới quốc gia trên biển, khu vực biên giới biển của Việt Nam được xác định cụ thể theo các quy định của các văn bản nói trên.


 Biến báo khu vực biên giới biển ở ngã 5 đường Lê Hồng Phong,
TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Các quốc gia có biển trên thế giới họ có cắm biển báo như VN hay không, thưa ông?

Trong Công ước Luật biển năm 1982 không quy định cụ thể cũng như không đề cập một cách rõ ràng về biên giới quốc gia trên biển. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu khái niệm này thông qua các điều khoản nói về ranh giới lãnh hải và điều khoản về cách xác định đường cơ sở quốc gia trên biển. Thực tiễn quốc tế thì việc xác định biên giới quốc gia trên biển là việc xác định đường ranh giới ngoài của lãnh hải.

Theo những phân tích, trình bày ở trên có thể hiểu rằng khu vực biên giới trên biển là khu vực phía trong và giáp với đường biên giới biển. Việc áp dụng quy chế pháp lý cho khu vực biên giới trên biển được căn cứ vào quy chế pháp lý của lãnh hải và các quy định của pháp luật quốc gia ven biển.

Có phải cả 28 tỉnh, thành giáp biển của VN đều có biên giới biển?

Đúng vậy, theo Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ, tất cả 28 tỉnh, thành giáp biển của Việt Nam đều có biên giới biển gồm 675 xã, phường, thị trấn của 136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Theo nghị định 71/2015, có nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới biển như: thải, nhấn chìm hay chôn lấp các loại chất độc hại, chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường; tổ chức, chứa chấp, dẫn đường, chuyên chở người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trái phép; luyện tập, diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; bay vào vùng cấm bay; bắn, phóng, thả các phương tiện bay có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, an toàn hàng không; hạ xuống các tàu thuyền, vật thể trái với quy định của pháp luật Việt Nam, v,v...

Theo quy định và suy nghĩ của nhiều người, "khu vực biên giới" đồng nghĩa với việc hạn chế ra vào, muốn ra vào phải xin phép cơ quan có thẩm quyền? Vậy "khu vực biên giới biển" có như vậy không?

Theo Nghị định 71/2015/NĐ-CP ở khu vực biên giới biển có các quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới biển; quy định cụ thể về người, phương tiện Việt Nam hoạt động trong khu vực biên giới biển; người nước ngoài đến hoạt động hoặc làm việc, học tập trong khu vực biên giới biển; tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển; hoạt động diễn tập quân sự, diễn tập tìm kiếm, cứu nạn, diễn tập an ninh hàng hải, tổ chức bắn đạn thật hoặc sử dụng vật liệu nổ trong khu vực biên giới biển; hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học, khảo sát về địa chất, khoáng sản, tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, hải sản trong khu vực biên giới biển…

Xin cảm ơn ông!

ĐÔNG HÀ/Tuoitre.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất