Thứ Tư, 27/11/2024
Công tác dân vận, một đời tôi gắn bó!

 Đồng chí Phạm Thế Duyệt

1. Bác Hồ kính yêu của chúng ta vô cùng vĩ đại.

Tôi luôn học tập bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, đọc và suy ngẫm từng ý, từng câu, từng chữ, thấy đều vô cùng sâu sắc, thấm thía cho nhận thức và hành động của mình.Từ ý đầu tiên: “Nước ta là nước dân chủ”,  “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Bác còn chỉ rõ, dân vận là gì, phương pháp dân vận, vai trò của hệ thống chính trị trong công tác dân vận, rõ người, rõ việc, không bị trùng lặp chức năng. Cần thấm nhuần lời dạy của Bác, theo đó mà làm thì chắc chắn công việc tốt đẹp. Đảng ta cũng đã ban hành rất nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận. Đảng phải lãnh đạo thực hiện công tác dân vận cho “đến nơi đến chốn”.

Bác Hồ rất trọng dụng nhân tài, giỏi dùng người, cả người trong Đảng, người ngoài Đảng. Bác vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo, không máy móc, không giáo điều. Càng nghiên cứu về Bác, càng thấy Bác vô cùng vĩ đại.

2. Giữa tập trung và dân chủ thì tôi quan tâm nhiều đến dân chủ. Đó là cốt lõi mà tôi suy nghĩ. Tập trung dân chủ, cứ giữ nguyên tắc ấy, nhưng dân chủ phải được hết sức coi trọng để tập trung được trí tuệ, rồi Đảng quyết. Đảng có quyền chứ không ai thay thế được. Tôi nhấn mạnh, tập trung là vế để tập hợp trí tuệ, mà muốn thế thì phải dân chủ. Ý thức của tôi trong quá trình làm việc cũng như chiêm nghiệm là bao giờ cũng hết sức chân thành, dân chủ, thì thế nào cũng có được nhiều tiếng nói góp sức với mình. Tôi khẳng định, biết lắng nghe, tập hợp ý kiến đúng đắn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thì mọi việc sẽ rất có hiệu quả.

Điều mà tôi quan tâm nữa là đừng nghe báo cáo và đánh giá một chiều, một cái đã tốt thì cái gì cũng tốt, chưa làm đã coi đó là bài học, làm chưa được bao nhiêu đã coi là cái cần phải phát huy cách làm tốt. Thành tựu tôi không phủ nhận, nhưng không cẩn thận sẽ chạy theo thành tích, sự “đánh bóng”, phô trương. Cái đó không phải là ít. Cái xấu thì không ai dám nói ra, cái lãng phí, cái sai sót thì không bao giờ nói, chỉ nói cái tốt, cái được, chạy theo thành tích, sự “đánh bóng”.

3. Bài học gần dân, hiểu dân trong xử lý “điểm nóng”

20 năm trước, tôi đã trực tiếp về Thái Bình giải quyết sự việc hàng trăm người dân ở Thái Bình tụ tập, kéo lên tỉnh phản đối chính quyền.Trong thời gian đó, tôi đã liên tục đi về Thái Bình khoảng 50 lần, xuống tận nơi và trực tiếp nói chuyện với người dân. 6 tháng cuối năm 1997, tình hình Thái Bình rất phức tạp, nhiều cái không ổn định, nhiều khiếu kiện tập thể, mang tính biểu tình ở xã này xã kia, mà nổ ra sớm nhất là ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ. Nhưng mà nóng nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất là ở xã Quỳnh Hoa.

Lúc đầu không có ai phân công, tôi tự thấy trách nhiệm của mình, làm công tác dân vận thì phải đến những chỗ khó khăn. Nhưng làm thế nào để nắm được tình hình, hiểu đúng, làm thế nào để giải quyết được thì đấy mới là vấn đề quan trọng.

Tôi đối đầu bao nhiêu cuộc, toàn từ 500 đến 700 người. Cơ quan, tổ chức rất sợ người dân bắt tôi, nhưng tôi bảo không sợ, với dân là mình yên tâm. Xuống xã, mình ở trong họp với xã và các cụ, ngoài thì bắc loa truyền thanh: “Đồng chí Phạm Thế Duyệt cho chúng tôi gặp!”. Tôi bảo, 700 người gặp, tôi không gặp được, nói ai nghe, đề nghị cử 10 người vào đây. Thế là 10 người vào trao đổi, nói lại như các cụ trong này thôi. Nói người ta phục thôi, các bên đều thoải mái.

Tôi rút ra mấy ý thế này: Trước hết phải dựa vào đảng bộ, đảng bộ ở đây là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, hệ thống chính trị là các tổ chức hội đồng nhân dân, mặt trận, đoàn thể.

Sau đó, điều quan trọng là phải hiểu tình hình nhân dân, xem nhân dân suy nghĩ như thế nào, vì sao có chuyện đó, và tìm hiểu cho rõ nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề nảy sinh. Họ đều là dân cả, dù họ có sai cũng là trách nhiệm ở chúng ta, vì sao lãnh đạo lại để người dân sai? Cho nên đánh giá được vấn đề là rất quan trọng.

Đồng bào công giáo cũng là người gắn bó với đất nước, đồng hành cùng dân tộc. Nếu người dân theo đạo không chú ý, dễ bị lực lượng xấu, lực lượng bên ngoài kích động. Nhưng ta phải xem lại ta là chính, đừng bao giờ ngộ nhận mà đổ lỗi hết cho người khác, đổ cho khách quan.

Sau vụ việc ở Thái Bình, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là một dấu mốc quan trọng trong công tác dân vận của Đảng nhằm mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

4. Trong hệ thống chính trị, các tổ chức phải có cơ chế hoạt động, phân công, phân nhiệm rõ ràng, rành mạch, không hoạt động “lấn sân” nhau. Đảng không làm thay chính quyền nhưng chính quyền không “lọt” được việc gì qua “mắt” Đảng, mọi việc Đảng vẫn phải nắm được. Chính quyền càng phải coi trọng thực hiện tốt công tác dân vận.

Với ban dân vận cấp ủy, cần tập trung vào 3 chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra. Từ đó xem có còn “sơ hở” gì ở chủ trương, nghị quyết thì mới thể chế hóa, đưa vào pháp luật và ngược lại. Chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng có rồi, nhưng ở đâu chưa thông suốt thì hướng dẫn, chứ không làm thay. Kiểm tra quá trình thực hiện, kết quả tốt xấu, đúng sai thế nào thì hệ thống dân vận, cấp ủy đảng cầnphải tỏ thái độ. Làm dân vận cần phải có bản lĩnh.

Đã sinh ra tổ chức nào thì phải phát huy hiệu quả tổ chức ấy. Mặt trận, các đoàn thể phải bám sát, nắm được dân là đoàn viên, hội viên của mình. Chống tham nhũng cần dựa vào công đoàn là số 1. Nếu các tổ chức hoạt động hình thức, kém hiệu quả thì người dân sẽ không thừa nhận.

Chú ý đổi mới cách làm, phương thức. Đừng bao giờ chủ quan, theo kinh nghiệm chủ nghĩa, bởi từng môi trường, mỗi địa bàn, tùy tình hình, điều kiện… mà cần nghiên cứu, suy xét để có cách làm phù hợp.

5. Một vài điều trăn trở của tôi về công tác dân vận và công tác cán bộ. Cả cuộc đời gắn bó với công tác dân vận, tôi hiểu, công tác dân vận không phải là dễ làm. Công tác dân vận rất cần tâm huyết, gương mẫu, gắn bó với nhân dân. Cán bộ ham lợi lộc, địa vị thì chắc chắn là quan liêu, xa dân, sẽ làm mất lòng tin của dân vào Đảng.

Tôi thấy, không ít cán bộ trong hệ thống chính trị lười học tập, nghiên cứu, trong đó có việc học tập và làm theo lời Bác, từ đó có ý thức vận dụng vào công việc. Ngoài tác phẩm Dân vận, tôi nghiên cứu kỹ nhiều tác phẩm của Bác Hồ, trong đó có Đường cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Di chúc. Tôi thấy đó là những tác phẩm vô cùng bổ ích cho cán bộ, cho công việc. Chưa kể đến nữa là các giai tầng, các giới trong xã hội đều có chỉ dẫn, lời dạy của Bác. Ngoài ra, tôi cũng tích cực nghiên cứu các sách tham khảo về lịch sử, về chính trị để có tầm nhìn về thời cuộc…

Đảng cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ trong toàn hệ thống chính trị về công tác dân vận, về sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Cần ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: Có dân mới có Đảng. Cán bộ phải vì dân phục vụ, là “đầy tớ” thật trung thành của nhân dân.

Nhóm PV (thực hiện)

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất