Thứ Sáu, 20/12/2024
Nghệ An đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Tổ chức ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động
mua bán người, mua bán con ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)

Lên công tác vùng núi rẻo cao huyện Quế Phong, chúng tôi được nghe những chuyện "Cười ra nước mắt" trong các vụ án. Ðó là chuyện Quang Văn Thao, dân tộc Thái, trú tại bản Ðỏn Chám, xã Mường Nọc dùng súng tự chế xông vào ngân hàng chỉ để cướp… 200 nghìn đồng. Thao đã bị lực lượng chức năng bắt giữ ngay sau đó và bị xử tám năm tù với tội danh "cướp tài sản". Hay do tập quán ở các xã miền núi thường thả rông trâu, bò trong rừng cho nên không ít hộ gia đình kiện tụng nhau vì tranh chấp một con bò. Thiệt hại về kinh tế từ phí giám định ADN cho bò ngót nghét tài sản tranh chấp cũng là câu chuyện bi hài đã xảy ra.

Theo lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Quế Phong, trung bình mỗi năm, đơn vị đưa ra xét xử khoảng 500 vụ án. Trong đó, chuyện dùng súng tự chế đi cướp 200 nghìn đồng, xét nghiệm ADN cho bò, hay những trường hợp bị bắt do liên quan đến ma túy còn xin về để chữa bệnh… không phải là ít. Qua đó cho thấy, trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn chưa được cải tiến là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc nêu trên.

Ðể góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào DTTS, thời gian qua, các cấp, ngành địa phương tỉnh Nghệ An đã phối hợp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật; trong đó ưu tiên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, như: đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chính sách pháp luật theo hướng đơn giản hóa cho đồng bào dễ tiếp thu; tổ chức các hình thức sân khấu hóa liên quan đến pháp luật hoặc lồng ghép với các chương trình văn hóa văn nghệ phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS.…

Chủ tịch HÐND huyện Tương Dương Vị Tân Hợi cho biết: Hằng năm, huyện đã phối hợp Trung tâm hỗ trợ tư vấn pháp lý xuống tận cơ sở giúp Hội đồng tư vấn pháp luật của địa phương hỗ trợ đồng bào các vấn đề liên quan đến pháp luật, khiếu kiện…; nội dung tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn; in các quy định cấm thành tờ rơi phát đến tận từng nhà dân. Hiện, huyện Tương Dương đang đi sâu vào hai hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào bằng hình thức sân khấu hóa và tuyên truyền cá biệt. Hằng năm, Ðội tuyên truyền lưu động của Trung tâm văn hóa huyện phối hợp Hội đồng giáo dục pháp luật của huyện tổ chức khoảng 10 chuyến lưu diễn, mỗi chuyến diễn tại ba đến năm bản, với hình thức sân khấu hóa. Các nội dung liên quan đều đề cập đến Luật Phòng, chống mua bán người và những kỹ năng phòng, chống nạn mua bán người; Luật Phòng, chống tệ nạn ma túy, Luật Bảo vệ và phát triển rừng; nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Ðối với hình thức tuyên truyền cá biệt, cán bộ tuyên truyền phải lặn lội đi đến từng hộ gia đình, lên tận nương rẫy để tuyên truyền cho từng người, từng đối tượng những nội dung pháp luật liên quan cũng như tổ chức cho từng hộ ký các cam kết không vi phạm pháp luật. Ðây là những hình thức phổ biến pháp luật không chỉ ở huyện Tương Dương mà còn ở các huyện miền núi khác của tỉnh Nghệ An. Theo Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Văn Hòe, bằng hình thức tuyên truyền đặc thù này, huyện Kỳ Sơn đã cử các đội công tác xuống tận nhà, lên tận rẫy để trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân không di dịch cư trái phép; chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai ký cam kết không ra nước ngoài bán con… Nhờ đó mà huyện Kỳ Sơn đã giảm hẳn tình trạng nêu trên.

Cùng với đó, các địa phương ở Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với ngành tư pháp, lực lượng các đồn biên phòng, công an và các đoàn thể chính trị tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện, tuyên truyền, giáo dục pháp luật lưu động tại các trường học, bản làng để mang kiến thức pháp luật đến gần hơn với đồng bào DTTS. Ngoài ra, còn chú trọng mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín nhằm giúp họ nâng cao kiến thức pháp luật, từ đó tuyên truyền cho đông đảo người dân trong bản, xã. Việc cơ quan tư pháp tổ chức xét xử lưu động các vụ án tại nơi có người phạm tội, ở vùng sâu, vùng xa cũng là hình thức tuyên truyền có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đồng bào DTTS về pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn./.

(nhandan.com.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất