Thứ Sáu, 20/12/2024
Đồng Nai: Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh cấp tờ rơi tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số
ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành)

Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai Thổ Út cho biết một trong những kết quả nổi bật của công tác TTPBPL là trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày được nâng cao.

* Chuyển biến trong nhận thức

Trong 2018,  Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức nhiều buổi TTPBPL sâu rộng đến  đồng bào dân tộc thiểu số của nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa và học sinh của Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Bên cạnh đó, ban còn triển khai đề án hỗ trợ bình đẳng giới cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức TTPBPL cho hơn 7 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Nhờ tham dự các buổi tư vấn pháp luật lưu động do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức mà ông K’Mạnh (ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) hiểu rõ hơn việc người chưa đủ 18 tuổi thì không được điều khiển xe máy trên 50 phân khối. Nếu có vi phạm sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt, hoặc chẳng may xảy ra tai nạn sẽ gây nguy hiểm cho con, đồng thời cả cha mẹ còn phải chịu trách nhiệm nếu con gây tai nạn cho người khác. Do đó, ông K’Mạnh nhất quyết không cho phép con trai (dưới 18 tuổi) lấy xe máy trên 50 phân khối đi học.

Không phải riêng ông K’Mạnh mà phần đông đồng bào S’tiêng, Mạ, Tày, Nùng sinh sống tại các khu định canh, định cư xã Tà Lài đều hiểu rõ điều này và hạn chế hẳn việc cho con dưới 18 tuổi điều khiển xe máy trên 50 phân khối như trước đây.

Hay như trường hợp em T.S. (17 tuổi, người dân tộc Khmer, ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đã đồng ý ngưng kết hôn với bạn trai vì được gia đình khuyên chưa đủ điều kiện về tuổi để kết hôn. Trong trường hợp kết hôn với người chưa đến tuổi kết hôn là vi phạm pháp luật.

Còn tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), ông Thạch Vương, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Hoa, Khmer, S’tiêng ở xã Suối Cát cho biết, qua các buổi TTPBPL giúp bà con nâng cao ý thức tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; loại bỏ những tập tục lạc hậu: tảo hôn, phạt vạ...

* Đa dạng hoạt động tuyên truyền

Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thổ Út cho biết, để nâng cao hiệu quả TTPBPL trong đồng bào dân tộc thiểu số, ban đã đa dạng các hoạt động tuyên truyền. Ngoài hình thức tuyên truyền miệng tại hội trường, Ban Dân tộc tỉnh còn mời các luật gia, luật sư, báo cáo viên pháp luật của các sở, ngành, đơn vị am hiểu về pháp luật trực tiếp xuống cơ sở tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho đồng bào.

“Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, cụ thể, gắn với những vấn đề đồng bào quan tâm. Đặc biệt trong một số buổi tuyên truyền, các báo cáo viên còn dùng hình ảnh, clip ngắn có liên quan để minh họa để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Thời gian tuyên truyền tránh vào những thời điểm thu hoạch, gieo trồng mùa vụ để bà con tham dự đông đủ” - ông Thổ Út nói.

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh còn phát huy vai trò của những người uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số để trực tiếp tuyên truyền đến đồng bào các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo; vận động đồng bào không nghe theo những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2019 công tác TTPBPL sẽ tiếp tục được tăng cường. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tổ chức TTPBPL cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 58 điểm/38 xã, phường, thị trấn và Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh; đồng thời tiếp tục triển khai đề án Hỗ trợ bình đẳng giới vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025./.

(baodongnai.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất