Thứ Sáu, 20/12/2024
Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh: Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả

Năm 2009, Ban Dân vận Trung ương phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 điển hình dân vận khéo được phát hiện, tuyên dương. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó đặc biệt kể đến công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.


 Ông Lý Tài Thông, người có uy tín của xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ (ngoài cùng bên trái),
cùng cán bộ xã tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn

Là địa phương có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 36,06% là người dân tộc thiểu số, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) luôn quan tâm đặc biệt đến công tác dân vận, trong đó phát huy vai trò của người có uy tín vùng dân tộc thiểu số. Ở xã Tân Dân, ai cũng biết ông Lý Tài Thông (thôn Bằng Anh). Ông là một trong những người có uy tín nhất trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ ở xã Tân Dân mà còn cả huyện Hoành Bồ. Hơn 70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, trải qua rất nhiều cương vị công tác, ở vị trí nào, ông cũng được bà con tin yêu. Không chỉ dừng ở việc răn dạy, bảo ban con cháu trong gia đình chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, chấp hành pháp luật, ông Lý Tài Thông còn làm rất tốt công tác dân vận. Với sự tích cực vận động, tuyên truyền của ông cùng các cán bộ thôn, xã, từ một địa bàn “nóng” về an ninh trật tự trước đây, nay tình hình an ninh trật tự của xã được đảm bảo, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Trò chuyện với phóng viên, ông Lý Tài Thông chia sẻ: "Đồng bào dân tộc thiểu số rất tin tưởng, nghe theo những người có uy tín. Nhiều khi các cán bộ nói mãi đồng bào chưa nghe ra; nhưng người có uy tín như chúng tôi đến trò chuyện, vận động là bà con nghe theo, chuyển biến liền. Nên tôi hiểu gì, biết gì đều nhiệt tình chỉ bảo bà con, từ phát triển kinh tế đến giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ tệ nạn... Mấy năm gần đây, trên địa bàn thôn, xã không có pháo nổ, đèn trời, tệ nạn tiêm chích ma túy dần bị đẩy lùi; đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện".


 Đoàn viên thanh niên xã Đại Thành (huyện Tiên Yên) xung kích đi đầu tuyên truyền,
vận động nhân dân, tham gia xây dựng nông thôn mới

Ở khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác dân vận được lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng. Những người làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc các tôn giáo... để làm tốt công tác dân vận.

Ở các đơn vị lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội biên phòng, luôn sâu sát với cơ sở, thực hiện "4 cùng" với đồng bào (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), từ đó lựa chọn phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp. Công tác dân vận được tập trung vào các nội dung: Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu; bảo vệ đường biên, cột mốc; đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh...

Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh thời gian qua được thể hiện rõ nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ dân vận, hàng chục nghìn m2 đất, hàng vạn ngày công đã được người dân tự nguyện đóng góp để làm đường giao thông, làm kênh mương thủy lợi, xây nhà văn hóa, các công trình dân sinh..., góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn của tỉnh, nhất là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong nhân dân, chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương./.

(baoquangninh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất