Thứ Năm, 23/1/2025
Hà Giang: Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có trên 83 vạn người, gồm 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS chiếm 87,3% dân số. Giai đoạn 2018 – 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 1.972 NCUT thuộc 16 dân tộc trong tỉnh. Họ là những già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn; bao gồm các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân dân gian, cán bộ, công chức nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi... Do được bầu chọn, suy tôn từ cộng đồng nên vai trò của NCUT rất quan trọng; tiếng nói của họ có sức thuyết phục lớn đối với thành viên, chi phối hầu hết hoạt động trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân các dân tộc. Từ nhận thức trên, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp của tỉnh đã không ngừng phát huy vai trò NCUT trong đồng bào DTTS. Đó là việc phát huy vị trí, uy tín, tiếng nói của NCUT trong công tác vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới (NTM); phát huy phong tục, tập quán tiến bộ, gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc…, và họ trở thành lực lượng nòng cốt đặc biệt, “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.


 Ông Nguyễn Đình Thoát, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Tày
thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang)
tự chế tác và dạy cháu gái cách chơi đàn tính

Minh chứng điển hình cho thấy, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; NCUT đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các quy ước, hương ước của thôn, bản; ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng gia súc ra xa nhà; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, tang và đẩy lùi tệ nạn xã hội; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, nhiều lễ hội, như: Cầu Mưa của đồng bào Lô Lô, Lồng Tồng của dân tộc Tày, Múa Trống của người Giấy hay Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn..., tiếp tục được gìn giữ; nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian (Lễ cúng cơm, Cấp sắc của dân tộc Dao) hay nghề truyền thống (dệt lanh, rèn, chế biến các món ăn mang đậm bản sắc đồng bào DTTS) được phát huy...

Với uy tín của mình trong xây dựng NTM, NCUT tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi và nhận được sự đồng thuận cao của đồng bào các DTTS. Đặc biệt hơn, với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm, NCUT trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo để cộng đồng học tập, làm theo. Bởi, họ là lực lượng tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm/diện tích canh tác… Điển hình như các ông: Làn Đình Dưỡng (xã Hữu Sản), Lệnh Quốc Hưng (xã Đồng Yên) của huyện Bắc Quang; ông Phàn Quầy Và (xã Quảng Nguyên), ông Hoàng Văn Pẳn (xã Nà Chì) của huyện Xín Mần; ông Vương Trung Hùng, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ); ông Nguyễn Đình Thoát, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang)…, đều có mức thu nhập từ 100 đến trên 500 triệu đồng/hộ/năm.

Bằng kinh nghiệm, uy tín của bản thân, NCUT còn chủ động tham gia hòa giải, giải quyết kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn tại cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng” về an ninh trật tự. Đồng thời, là hạt nhân tích cực tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, chống tuyên truyền đạo trái pháp luật; không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... Trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, NCUT đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, đi đầu trong việc tham gia các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng “Mái ấm biên cương”; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cùng với đó, NCUT tích cực vận động đồng bào khu vực biên giới ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật; chủ động tố giác tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Từ năm 2016 đến nay, NCUT đã cung cấp cho các đơn vị Biên phòng trên 200 tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự khu vực biên giới và truyền đạo trái pháp luật; vận động hàng trăm gia đình đăng ký tham gia Tổ tự quản đường biên, cột mốc; đến nay 100% gia đình tại các thôn, bản khu vực biên giới đều tham gia tự quản về an ninh trật tự...

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các thế lực thù địch đang dùng mọi thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hoà bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, công tác phát huy vai trò NCUT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trở thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt đối với công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nói chung và công tác dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc nói riêng./.

(baohagiang.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi