Thứ Năm, 23/1/2025
An Giang: Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang đã khởi sắc hơn

Nằm bên con sông Hậu hiền hòa, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang đang vươn mình trở thành điểm đến du lịch lý tưởng của An Giang và đất “Chín Rồng”. Về Châu Đốc hôm nay, du khách sẽ cảm nhận sự tươi mới trên những con đường, khu phố. Đó là kết tinh từ nỗ lực xây dựng của bao thế hệ người Châu Đốc, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương với người Hoa chiếm đa số (khoảng 3.540 người). Đa phần người Hoa tại Châu Đốc sinh sống ở trung tâm thành phố, chủ yếu hoạt động kinh doanh, thương mại và sản xuất thủ công. Người Hoa với chữ “tín” đặt lên hàng đầu và tinh thần đoàn kết sâu sắc đã giúp cho cộng đồng này ngày càng phát triển về mặt kinh tế, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thành phố. Ngoài ra, TP. Châu Đốc còn có các DTTS khác, như: Khmer, Chăm, Nùng, Mường, Thổ, Tày… cùng chung sống với nhau.

Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn thông tin: “Song song với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, TP. Châu Đốc xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Từ đó, đã huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm tích cực giảm nghèo. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là người DTTS kết hợp với triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc và an sinh xã hội”.

Những năm qua, với sự tập trung đầu tư của Đảng, nhà nước từ các Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… thành phố đã xây dựng những công trình thiết yếu, như: cầu, đường, trường, trạm y tế, điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới… Từ đó, cơ sở hạ tầng nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng cao, công tác giảm nghèo tại địa phương đạt hiệu quả tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của TP. Châu Đốc còn 0,25% và không còn hộ nghèo là đồng bào DTTS.

Với những kết quả đạt được trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, UBND TP. Châu Đốc xác định sẽ tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để chăm lo cho đời sống đồng bào DTTS, kết hợp triển khai chính sách đầu tư của nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng thời, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại địa phương...

Ở huyện miền núi Tịnh Biên, các chính sách dân tộc được quan tâm thực hiện khá tốt thời gian qua. Với gần 28.000 người DTTS Khmer, Tịnh Biên được xem là 1 trong 2 huyện của tỉnh An Giang (cùng với huyện Tri Tôn) có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đa số người DTTS Khmer ở Tịnh Biên tham gia sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, một số hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mua bán nhỏ lẻ hoặc làm thuê nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Trần Bá Phước cho biết: “Giai đoạn 2014-2019, đồng bào DTTS Khmer đã được Đảng, nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, hoạt động giáo dục và đào tạo được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS Khmer được nâng cao. Qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh biên giới được giữ vững”.

Những năm qua, huyện Tịnh Biên đã thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, như: Chương trình 135, Chương trình 134, chính sách hỗ trợ hộ DTTS đặc biệt khó khăn, chính sách bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, văn hóa các DTTS… Thông qua các vị hòa thượng, thượng tọa, sư sãi, à cha, UBND huyện Tịnh Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đến với đồng bào DTTS Khmer. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật trong đồng bào DTTS, tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa các dân tộc để cùng xây dựng quê hương.

Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền và đoàn thể, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện Tịnh Biên giảm từ 2% trở lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay, toàn huyện có trên 7.200 học sinh là đồng bào DTTS Khmer. Các em được miễn học phí theo chính sách và hưởng chế độ theo quy định khi được tuyển vào học các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Chính phủ để giải quyết kịp thời những khó khăn, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS Khmer địa phương. Tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước và các cấp chính quyền sẽ mang đến cuộc sống sung túc hơn hơn cho đồng bào DTTS Khmer, cùng phấn đấu đưa quê hương Tịnh Biên ngày càng phát triển” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Trần Bá Phước khẳng định./.

(baoangiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi