Thứ Năm, 23/1/2025
Vĩnh Phúc: Chăm lo nhiều hơn cho trẻ em dân tộc thiểu số

 Dạy học cho trẻ em người dân tộc thiểu số xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Rổ ở thôn Đạo Trù Hạ, xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc),chúng tôi được biết, 2 vợ chồng anh Rổ đều là người dân tộc Sán Dìu, anh chị sinh được 4 người con gái, không may cả 4 người con đều bị khuyết tật vận động bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ. Bản thân anh Rổ cũng bị hỏng một bên mắt, khả năng lao động kém. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào 2 sào ruộng và tiền trợ cấp cho trẻ khuyết tật hàng tháng của các con.

Chị Trương Thị Gái (vợ anh Rổ) cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì có thêm tiền trợ cấp nên chúng tôi vẫn cố gắng cho 3 con được đi học để hòa nhập với các bạn, còn một cháu khuyết tật nặng nhất thì ở nhà. Hàng ngày, ngoài làm 2 sào ruộng, tôi dành thời gian chăm sóc 4 đứa con khuyết tật”. Khi được hỏi, cháu Nguyễn Thị Dung - con gái đầu của anh Nguyễn Văn Rổ cho biết: “Con ước mình được khỏe mạnh để có thể giúp đỡ công việc nhà cho bố mẹ, phụ bố mẹ chăm sóc các em…; con sẽ cố gắng học tập tốt để sau này trở thành người có ích”. Ước mơ nhỏ của cô bé khuyết tật rất khó trở thành sự thật, nếu như không có sự quan tâm và chung tay của xã hội, tiếp thêm động lực để em cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.

Trên địa bàn huyện Tam Đảo có hơn 21.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 26,89% dân số), trong đó, có hơn 10.000 trẻ em dân tộc thiểu số, chiếm hơn 45% tổng số trẻ em trên địa bàn. Theo đồng chí Lê Quý Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện luôn được quan tâm đúng mức và kịp thời, do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em ngày càng được nâng lên; trẻ em trong huyện nói chung đã được hưởng đầy đủ quyền cơ bản của trẻ em. Tuy nhiên, công tác chăm sóc đối với một bộ phận là trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, do trình độ dân trí không đồng đều, người dân vẫn còn tư tưởng sinh nhiều con…".

Không riêng huyện Tam Đảo, ở một số địa phương khác, như thành phố Phúc Yên, huyện Sông Lô, huyện Lập Thạch, nhiều trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn phải giúp cha mẹ kiếm sống, nên việc học hành chưa được quan tâm, nhiều em phải bỏ học vì cuộc sống khó khăn. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ gặp các tai nạn thương tích, đuối nước, bị lạm dụng tình dục vẫn xảy ra.

Để việc chăm lo cho trẻ em dân tộc thiểu số đi vào thực chất, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tăng cường công tác rà soát, phát hiện, thẩm định những địa chỉ trẻ em, gia đình trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó, hỗ trợ kịp thời, giúp trẻ em dân tộc thiểu số được hòa nhập cộng đồng; giảm thiểu trẻ em bị các bệnh hiểm nghèo, trẻ em bị khuyết tật, tai nạn thương tích, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, ngược đãi… tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 có chủ đề "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, tập trung vào các thông điệp truyền thông như: Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động…Các thông điệp truyền thông nhằm tác động tới sự quan tâm, tạo điều kiện của xã hội để mọi trẻ em có được môi trường sống an toàn, lành mạnh, bổ ích và phòng, chống tai nạn thương tích; trẻ em khó khăn sẽ được quan tâm, giúp đỡ.

Trẻ em dân tộc thiểu số phải chịu nhiều thiệt thòi về chế độ dinh dưỡng, điều kiện học tập, cơ hội phát triển… Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và quốc tế hỗ trợ công tác trẻ em; xây dựng, sửa chữa các công trình trường lớp, nhà bán trú, trang thiết bị vui chơi, giải trí,tạo cơ hội cho các em được phát triển bình đẳng với trẻ em nói chung trong xã hội./.

(baovinhphuc.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác