Nhiều thôn bản đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tự làm đường, làm cầu bằng chính nội lực cộng đồng. Hoạt động tự giác này đã góp phần khắc phục những khó khăn đối với hạ tầng cơ sở vùng sâu, vùng xa.
|
Đồng bào dân tộc Vân Kiều thôn Tà Lao từ nội lực cộng đồng đã làm cầu qua suối
|
Vượt lên bằng nội lực
Ba thôn Tà Rụt 1, Tà Rụt 2, Tà Rụt 3 (thuộc xã Tà Rụt, huyện Đakrông) đã gần 10 năm nay bảo vệ một con đường bê-tông dài 8 km từ cầu U Sau km 49 vào đến nơi sản xuất của thôn A Pun. Hơn 120 người đại diện cho những hộ dân của các thôn đã tập trung, sẵn sàng với các dụng cụ sẵn có như rựa, cuốc, xẻng, máy phát, máy cưa... Mỗi thôn chia nhau một đoạn đường nạo vét cống rãnh để nước thoát vào mùa mưa khỏi xé hỏng đường, đắp lại những điểm sạt lở khỏi gây ách tắc đường và đặc biệt là phát quang hai bên đường để bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông. Tất cả những công việc này đã được thực hiện gãy gọn, sẵn sàng ứng phó cho mùa mưa rừng sắp đến.
Anh Hồ Văn Huân, 25 tuổi hì hụi xúc đất trò chuyện với chúng tôi: “Đây là đường 135, việc tu bổ đường có nhiều người trẻ tham gia. Tôi thấy việc bảo vệ và gìn giữ một con đường là việc làm mà mỗi người dân, phải tự giác tập hợp nhau lại để bảo vệ, đường mình đi thì mình giữ chứ chờ ai”.
Ý thức tự giác của cộng đồng dân tộc Pa Cô ở Tà Rụt giúp con đường đã xây dựng được gần 10 năm nay không một đoạn hư hỏng, tạo điều kiện cho đồng bào chuyên chở hàng hóa vào trung tâm xã và ngược lại, đồng bào có thể dễ dàng đến nơi sản xuất mà không mất nhiều thời gian và công sức như trước đây. Anh Hồ Văn Nhương, Trưởng thôn Tà Rụt 3 cho chúng tôi biết: “Chỉ mỗi hộ dân đóng góp 20 nghìn đồng cho hoạt động này. Đây là công việc cộng đồng trách nhiệm và tự nguyện thực hiện. Ai có cuốc thì dùng cuốc, ai có rựa thì dùng rựa. Chúng tôi đã mượn một cái máy phát để hỗ trợ thêm cho công việc này. Năm nào bà con cũng hứng khởi tham gia vì được gặp nhau cũng vui. Chẳng mấy lúc được làm cùng nhau thế này, chiều về tập trung lại làm bữa cơm chung, uống một chén rượu thể hiện tinh thần đoàn kết giữa mọi người”.
Hoạt động duy tu, bảo dưỡng đường của đồng bào thường diễn ra vào dịp gieo hạt. Thời điểm này vừa làm rẫy, vừa diễn ra các hoạt động tâm linh đối với mùa màng. Anh Nhương còn cho biết thêm: “Làm đường sạch đẹp cũng là công việc tốt báo với thần lúa để đón thần về với bản làng, với rẫy, phù hộ cho người dân được vụ mùa tốt tươi”.
|
Người dân đồng bào dân tộc Vân Kiều thôn Tà Lao vui mừng khi làm xong chiếc cầu
|
Tự làm cầu qua suối
Những hoạt động của cộng đồng thôn bản hữu ích và ngày càng được nhân rộng đối với đồng bào ở huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Trong khi đồng bào Pa Cô ở xã Tà Rụt bảo vệ đường thì người Vân Kiều ở thôn Tà Lao (xã Tà Long, huyện Đakrông) đang hối hả làm cầu trước mùa lũ. Được biết, chiếc cầu này giúp học sinh đi học vào mùa lũ được an toàn, vừa là chiếc cầu nối với vùng sản xuất nông sản của bà con.
Thôn Tà Lao cách trung tâm huyện Đakrông tầm 31 km, tổng diện tích nông nghiệp 41 ha. Nữ Trưởng thôn Hồ Thị Men cho chúng tôi hay: “Người khởi xướng làm cầu là ông Lê Xuân Hải, hộ dân trong thôn. Hiện nay, hầu như diện tích sản xuất của thôn đều nằm bên kia suối, mùa mưa lũ nước suối rất lớn nên việc qua suối sản xuất rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Từ những khó khăn trên ông Lê Xuân Hải đã cùng với thôn và chi bộ huy động sự đóng góp của bà con để xây dựng cầu treo bằng gỗ với chiều dài gần 100 m để bảo đảm đi lại và sản xuất cho bà con”.
Có chiếc cầu, người lao động có thể đến nơi sản xuất an toàn trong mùa mưa lũ và trẻ em cũng có thể không bị gián đoạn thời gian học tập. Ông Hồ Văn Năm trò chuyện với chúng tôi rằng: “Trước đây, khi chưa có cầu, người dân đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa lũ vào mùa gặt bà con không qua suối được, vì vậy ảnh hưởng đến mùa màng, thất thu. Từ khi bà con góp công góp tiền để làm cầu thì đi lại dễ dàng hơn”.
Bà Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long cho chúng tôi hay: “Trong thời gian qua, với ý thức xây dựng quê hương, bảo đảm an toàn lao động sản xuất, một số hộ gia đình như anh Lê Xuân Hải và thôn cũng như chi bộ đã có việc làm vô cùng thiết thực và ý nghĩa là vận động bà con đóng góp tiền, vật liệu và công để xây dựng cầu treo bắc qua sông. Việc làm này đã giúp bà con đặc biệt là chị em phấn khởi và yên tâm hơn trong việc sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi mong rằng sẽ có sự đầu tư từ cấp trên về việc xây dựng cầu dân sinh tại khu vực này cho bà con vì ở đây rất có tiềm năng trong phát triển kinh tế”.
Việc làm tự giác và ý nghĩa mà đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đã thực hiện trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào nhận thức của cộng đồng các dân tộc sống trên địa bàn, cổ vũ cho sự tự giác chăm lo, xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất để đời sống lao động, sản xuất, giao thương của bà con được thuận lợi hơn./.
(nhandan.com.vn)