Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An dự và chủ trì Hội nghị. Tới dự còn có đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương có đồng bào các dân tộc rất ít người tham dự.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo, tham luận của các bộ, ngành, địa phương về thực trạng kinh tế - xã hội nói chung, việc thực hiện các chính sách về giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, bảo tồn văn hóa, việc bố trí các nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết đất sản xuất… để chăm lo cho nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người thời gian qua và những kiến nghị, định hướng chính sách trong thời gian tới.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Những năm qua, cùng với chính sách chung cho đồng bào dân tộc thiểu số như 134, 135, 30a…; Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách riêng, đặc thù cho vùng dân tộc rất ít người như: Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho 5 dân tộc dưới 1.000 người từ năm 2006 – 2010; Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao; Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người...
Cùng với các chính sách của Trung ương, một số địa phương, bộ, ngành cũng đã có chính sách hỗ trợ cho vùng dân tộc rất ít người. Tỉnh Quảng Bình đã xây dựng, triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào Rục. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo biên giới, hải đảo”, xây dựng nhà tình nghĩa, công trình dân sinh, dự án thủy lợi cho đồng bào dân tộc rất ít người. Dự án “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở huyện Mường Tè (Lai Châu); Dự án làm lúa nước cho đồng bào Rục xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình)…
Những cố gắng trên đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc rất ít người phát triển; hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc rất ít người được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Đồng bào dân tộc rất ít người được tiếp cận thông tin, hưởng thụ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, trẻ em được đến trường, học tập, rèn luyện, giảm dần các tệ nạn xã hội, phong tục tập quán lạc hậu, trật tự an toàn xã hội, an ninh khu vực biên giới cơ bản được giữ vững, đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố. Đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nước ta có 16 dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) sinh sống, tập trung trên địa bàn 93 xã, thuộc 37 huyện của 12 tỉnh. Trong đó, có 5 dân tc dưới 1.000 người (Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo); 6 dân tộc từ 1.000 người đến dưới 5.000 người (Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao và Ngái); 6 dân tộc từ 5.000 đến dưới 10.000 người (Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, Phù Lá, La Hủ).
|
Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người thường cư trú tại các địa bàn vùng núi đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thường xảy ra thiên tai nghiêm trọng. Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số rất ít người còn những tồn tại như: Chính sách nhiều nhưng còn dàn trải, thiếu nguồn lực thực hiện, giao phân bổ nguồn vốn giữa Trung ương và các địa phương chưa thống nhất, dẫn đến nhiều chương trình, dự án không được bố trí vốn triển khai... Do vậy, đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người vẫn là cộng đồng có nguy cơ bị ảnh hưởng, tụt hậu lớn nhất trong quá trình phát triển của đất nước với: tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung, tình trạng trẻ trong độ tuổi bỏ học, suy dinh dưỡng, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra phổ biến, văn hóa truyền thống bị mai một, nhiều hộ thiếu đất sản xuất, chưa có điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Tại hội thảo, các đại biểu các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đã thẳng thắn trao đổi về thực trạng, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để xây dựng, tổ chức triển khai đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người thực sự đi vào cuộc sống trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định: Hiện nay, đang có 110 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Kết quả thực hiện đã khẳng định: sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số xóa được đói, giảm được nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nhiều huyện, xã đã đạt chuẩn huyện, xã nông thôn mới. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, dạy nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào. Nhiều hộ nghèo là người dân tộc thiểu số được vay vốn đầu tư vào sản xuất trồng rừng, bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch nên đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên. An ninh chính trị được giữ vững. Các vấn đề về giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm hơn, hệ thống trường, lớp được hoàn thiện, dần nâng cao chất lượng. Các chính sách đồng bào được thụ hưởng như: điện, đường, trường, trạm đã tác động đến từng người, từng gia đình, đã góp phần nâng cao sức khỏe, trình độ dân trí và kỹ năng tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất của đồng bào góp phần xóa những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, khẳng định các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho dân tộc, miền núi đã được đồng bào đón nhận có hiệu quả, và với ý thức không cam chịu đói nghèo, đồng bào đã vươn lên, đạt được những kết quả quan trọng.
|
Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương… tặng quà đồng bào dân tộc rất ít người Ơ Đu sống tại xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An. |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng thẳng thắn chỉ rõ: Thực tế, nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được thực hiện phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, từng bước bảo đảm công bằng xã hội, nhưng chính sách còn dàn trải, chồng chéo, nguồn lực không đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác được hết tiềm năng của vùng dân tộc thiểu số và phát huy bản sắc của họ, chưa khuyến khích đồng bào tự vươn lên, còn trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa đồng bộ; công tác giám sát của cơ quan dân cử còn ít; cán bộ còn thiếu và yếu…
Ghi nhận những tham luận, ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định sẽ báo cáo Trung ương có nghị quyết mới về công tác dân tộc thay thế Nghị quyết 24-NQ/TW và theo chương trình đã được phê duyệt, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV sẽ thảo luận, ban hành Nghị quyết về chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc thiểu số và miền núi trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Đồng chí Tòng Thị Phóng yêu cầu cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các lực lượng vũ trang ở trên tất cả các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống để thiết thực chăm lo cho đồng bào.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự kiến sau Hội thảo sẽ thống nhất báo cáo Quốc hội một số giải pháp cấp bách để chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người. Cụ thể là: Ưu tiên lo đất ở, nhà ở cho số đồng bào các dân tộc còn rất ít người, gắn với việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng từ thôn, bản, bổ sung quy hoạch theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; quan tâm đến việc phát triển sản xuất, tạo kế sinh nhai gắn việc định canh, định cư, giữ rừng, nguồn nước, nguồn sinh kế; có chính sách rất đặc biệt về vốn đầu tư, vốn vay, hướng dẫn sản xuất, tổ chức cuộc sống gắn với chăm lo đến giáo dục, y tế, dạy nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống; có những giải pháp rất đặc biệt để tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, không cào bằng về trình độ, về đánh giá chất lượng với các dân tộc khác để đến năm 2030 dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở…
Sau Hội thảo, sáng ngày 25/6, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đoàn công tác đã tới thăm, trao đổi, tặng quà đồng bào dân tộc rất ít người Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Phan Thanh