Thứ Năm, 23/1/2025
Có cơ chế, chính sách cụ thể bảo vệ người có uy tín

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết NQ số 24 và Chỉ thị số 45; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hoàng Thị Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trên cả nước.

Người có uy tín - cánh tay đắc lực tại cơ sở

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết: Người dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm 53 trên tổng số 54 dân tộc, với dân số trên 13 triệu người, sống ở 51 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đến nay đã bầu chọn được 34.031 người có uy tín từ các khu dân có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn cả nước trong nhiều lĩnh vực.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các cấp ủy, chính quyền các địa phương, MTTQ và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến cấp cơ sở đã có nhiều chủ trương, chính sách mới, nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện và phát huy vai trò của người uy tín trong toàn hệ thống chính trị. 

“Người uy tín ở cộng đồng dân cư và trong đồng bào các dân tộc thiểu số là những cánh tay đắc lực đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Mặt trận các tỉnh vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tăng cường công tác phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên. Phối hợp với các lực lượng chuyên ngành về Dân tộc, Công an, Biên phòng, Dân vận… nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc. Tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò gương mẫu của bản thân và gia đình tiên phong đi đầu, tích cực vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động, các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đồng thời, Mặt trận các cấp đã luôn quan tâm thăm hỏi, tặng quà và động viên người có uy tín trong các dịp lễ, Tết của dân tộc, ốm đau, bệnh tật... thể hiện mối quan hệ mật thiết, gắn bó, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị của đồng bào.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phát huy vai trò người có uy tín nên chưa quan tâm chỉ đạo, phân công quản lý, phân cấp vận động người có uy tín. Công tác vận động người có uy tín còn chồng chéo, chưa phân công rõ quyền lợi và tránh nhiệm của người có uy tín, chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng…

Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc

Xuất phát từ thực tế này, các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số để thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn cả nước và phát huy được vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Đồng chí Đào Văn Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương đề xuất, cần bồi dưỡng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng DTTS theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường. Quy trình lựa chọn, thành phần cơ cấu dân tộc, theo lĩnh vực, phạm vi và mức độ ảnh hưởng.

Đồng thời cần phân định cấp độ quản lý, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả; cần có sự đầu tư nguồn lực tương xứng với tính chất, đặc điểm từng loại mô hình, gắn kết chặt chẽ với Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia và cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Cùng với đó xây dựng cơ chế, chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng các DTTS, cụ thể như: Cơ chế quản lý, chính sách chăm lo, thăm hỏi, động viên khen thưởng, chính trị phí, thương binh, liệt sĩ… Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và phát huy vai trò ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng các DTTS.

Kiến nghị, đề xuất sát với địa phương trong công tác phát huy vai trò của người có uy tín, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên Giàng Trọng Bình cho rằng, cần tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ những người có uy tín thông qua việc cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các phần tử lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng để họ hiểu và tuyên truyền, giải thích cho quần chúng.

“Thường xuyên nêu các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong các dân tộc để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh và chọn cử người có uy tín tham gia cơ quan dân cử, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. Cần có cơ chế bảo vệ bản thân và gia đình người có uy tín, không để các phần tử xấu tác động, đe doạ”, đồng chí Giàng Trọng Bình nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò quan trọng của người có uy tín, theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tiếng nói của người có uy tín trên địa bàn luôn được tôn trọng, được dân làng và con cháu làm theo. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, nếu cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và cơ quan công tác dân tộc “tranh thủ” được các vị này thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn.

Do vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách nhằm đảm bảo người có uy tín được trang cấp phương tiện nghe, nhìn để tiếp cận thông tin; định kỳ được bồi dưỡng, cung cấp thông tin; quan tâm động viên cả vật chất và tinh thần đối với người có uy tín thông qua hoạt động thăm hỏi, tuyên dương, khen thưởng, khám chữa bệnh, tham quan học tập…

“Những khó khăn, bức xúc của cộng đồng khi có đề nghị của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ phải được cơ quan và người có trách nhiệm xem xét, nghiêm túc, giải quyết thấu đáo, những việc chưa giải quyết được phải có phản hồi cụ thể, rõ ràng, thuyết phục. Như vậy, tiếng nói của họ mới thật sự đi vào lòng người”, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề xuất.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, những ý kiến này là tiền đề để UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng đề nghị Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm hơn nữa tới người có uy tín trong cộng đồng để cùng phối hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con trên địa bàn, từ đó có những đề xuất cụ thể với chính quyền nhằm kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

(tapchimattran.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi