Thứ Năm, 25/4/2024
Tuyên Quang: Giúp đồng bào dân tộc Mông nâng cao đời sống

Hơn 20 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23-9-1994 của Ban Bí thư (khóa VII) và Kết luận số 64-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, toàn tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư 527 công trình với tổng kinh phí trên 295 tỷ đồng cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Trong đó, xây dựng 230 công trình đường giao thông, 31 công trình trạm y tế, 195 công trình trường học, 10 công trình điện, 61 công trình phục vụ đời sống, sản xuất khác. Thực hiện hiệu quả chính sách định canh, định cư đã có 3.240 hộ được bố trí di chuyển, xen ghép, di chuyển tập trung 4 dự án với 336 hộ di chuyển, 4 dự án đang thực hiện với 340 hộ. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn 135 tỉnh đã hỗ trợ phát triển sản xuất như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trên 10 tỷ đồng.


 Gia đình anh Giàng Seo Sình, chị Giàng Thị Sự, thôn Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn)
thu hoạch cam vinh


Hùng Lợi là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó trên 47% là đồng bào dân tộc Mông. Do đó, công tác dân tộc luôn là vấn đề quan trọng được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.  Từ năm 2015 đến năm 2018, xã Hùng Lợi đã được hỗ trợ trên 10,5 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 135. Trong đó, xây dựng được 8 công trình giao thông, thủy lợi, nhà lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng, duy tu sửa chữa 3 công trình. Từ nguồn vốn này, xã đã hỗ trợ cho 452 hộ gia đình mua cây, con giống, máy móc thiết bị, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn quy trình chăn nuôi; xây dựng được 2 mô hình nuôi ong mật và trồng củ đậu. Từ năm 2016 đến nay, xã đã thực hiện hỗ trợ 658 thùng ong giống cho 165 hộ dân nuôi theo quy mô hàng hóa, tổng kinh phí trên 730 triệu đồng và hỗ trợ cho 18 hộ trồng củ đậu tập trung, kinh phí 159 triệu đồng. Năm 2017, ông Dương Minh Tỏa, dân tộc Mông, thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi được hỗ trợ 4 thùng ong giống và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi ong từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất 135. Sau 3 năm, ông đã phát triển thêm 20 thùng ong, mỗi năm cho thu từ 70 - 80 lít mật.  Gia đình ông còn trồng 6 ha cây keo và trên 400 cây cam sành, cam vinh và nuôi 2 con trâu. Nỗ lực trong phát triển kinh tế, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xã Xuân Lập (Lâm Bình) có 456 hộ với 2.156 nhân khẩu, trong đó có 60% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tập trung chủ yếu ở thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng. Từ các nguồn vốn, các chương trình dự án đã có nhiều công trình được xây dựng như: Xây dựng nhà lớp học mầm non ở thôn Khuổi Trang, làm đường bê tông tại các thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng, Nà Lòa; xây dựng nhà văn hóa thôn Nà Lòa, Lũng Giềng, Khuổi Trang... Các công trình được đưa vào sử dụng phần nào đã tạo điều kiện cho người dân trong xã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Anh Hoàng Văn Dềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người Mông từng bước được nâng lên. Người dân chịu khó làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình 135, người dân trong xã đã được hỗ trợ 291 triệu đồng để mua trâu giống phát triển chăn nuôi, trong đó gần 60% số hộ là người Mông được tiếp cận nguồn vốn. Anh Ma Seo Phừ, dân tộc Mông, thôn Khuổi Củng, một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135. Anh Phừ cho biết, anh được hỗ trợ con giống, tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trên 3 ha rừng, nuôi trâu, lợn đen và gia cầm.

Người Mông ở Bản Túm, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) đã khá lên nhiều từ thực hiện đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông năm 2013. Theo đó, xã Trung Hà phối hợp với khuyến nông huyện làm mô hình trồng mía thâm canh tăng năng suất ở Bản Túm, với 14 hộ đồng bào dân tộc Mông tham gia, quy mô 2,35 ha. Hiện nay, cây mía sinh trưởng tốt, bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập cho các hộ dân tộc Mông ở đây. Anh Thào Seo Chí trồng 4.000 m2 mía theo mô hình này cho biết, trước đây gia đình trồng sắn, năm nào được cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng, được nhà nước hỗ trợ trồng mía, vụ đầu năm 2017 trừ chi phí còn 20 triệu đồng tiền lãi. Cây mía đã thay đổi cuộc sống của người Mông, cái nghèo khó đã bớt đi nhiều.

Sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng có đông đồng bào Mông thời gian qua đã giúp người Mông vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

(baotuyenquang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất