Thứ Tư, 22/1/2025
Quỳnh Nhai thực hiện tốt chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Nông dân xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai)
phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Qua đó, hệ thống chính trị các cấp tđược củng cố, tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể nhân dân được kiện toàn; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số bảo đảm về số lượng và chất lượng; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng cao.

Đến nay, toàn Quỳnh Nhai (Sơn La) có gần 250 cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số, chiếm 97% tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn. Trong đó, 148 người có trình độ đại học và sau đại học; 4 cán bộ có trình độ cao cấp, 131 cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bộ máy chính quyền các cấp đã phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động; quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, công tác xóa đói, giảm nghèo được triển khai đồng bộ, đồng bào các dân tộc trong huyện đã phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2014 đến nay, từ nguồn vốn chương trình 30a, 135, huyện đã triển khai xây dựng 60 công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, tổng vốn đầu tư gần 76 tỷ đồng; lập 32 phương án hỗ trợ 3.332 con bò giống, xây dựng chuồng trại cho 3.332 hộ nghèo, cận nghèo, tổng kinh phí gần 36 tỷ đồng; hỗ trợ 224 tấn phân bón NPK cho bà con các bản đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất. Cùng thời gian, huyện đã giải ngân trên 100 tỷ đồng thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; triển khai tín dụng ưu đãi, chính sách đối với người có uy tín và chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, với hàng chục nghìn hộ được hưởng thụ. Khai thác hiệu quả các nguồn lực về đất đai, lao động, dựa trên cơ sở phát huy nội lực của cộng đồng, tạo bước chuyển biến tích cực về sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, gắn với xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc, góp phần hạn chế tình trạng phá rừng làm nương... từng bước làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, thu hút sự tham gia của đồng bào các dân tộc; hàng nghìn nông dân đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ trở thành tấm gương đoàn kết, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được cứng hóa, 100% số xã có nhà lớp học kiên cố, các bản xa trung tâm đều có điểm trường, lớp học; 95% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% số hộ có điện lưới quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả, 100% số xã có trạm y tế, hầu hết các bản đều có nhân viên y tế.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, các xã, bản huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ đời sống dân sinh, hàng nghìn hộ dân các bản đã hiến hàng chục nghìn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, lớp học cắm bản... toàn huyện hiện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt; từ năm 2014 đến nay, mỗi năm giảm từ 1,5-2% hộ nghèo, có 21 bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng, đến hết năm 2018 tăng lên 22 triệu đồng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng tái định cư thủy điện Sơn La, Quỳnh Nhai đang tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

(baosonla.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi