Thứ Hai, 23/12/2024
Huyện Chợ Mới: Thực hiện hiệu quả công tác dân tộc

Hiện nay, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn có 07 dân tộc cùng sinh sống. Toàn huyện có 166 thôn, tổ dân phố, trong đó có 34 thôn đặc biệt khó khăn. Để triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt một số chương trình, chính sách, đề án của Trung ương như: Chương trình 135; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; học bổng cho học sinh dân tộc nội trú; chính sách phát triển cơ sở vật chất trường học đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số…


 Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả
đã góp phần nâng cao đời sống vật, tinh thần cho đồng bào dân tộc huyện Chợ Mới

Cụ thể như thông qua Chương trình 135, huyện Chợ Mới đã đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và công trình nước sinh hoạt… Thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ giống cây ăn quả, giống vật nuôi, hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón cho trên 2.500 hộ; xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Các chính sách cho vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, khám chữa bệnh cũng được thực hiện tốt, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, chuyển biến nhận thức, cách làm ăn cho đồng bào dân tộc. Từ năm 2017 đến hết tháng 6/2019, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, hộ nghèo, các đối tượng chính sách đạt trên 34.150 triệu đồng; huyện đã chuyển phát 256.930 tờ báo, tạp chí cho các đối tượng thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT đều được cấp thẻ BHYT kịp thời...

Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả đã góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi huyện Chợ Mới. Kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư xây dựng và củng cố; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 48,54% năm 2005 xuống còn 18,69% vào năm 2018; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2018 đạt 24,3 triệu đồng/năm. Đến nay, 100% xã, thị trấn đã có đường nhựa và đường bê tông đến trung tâm; 97% hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện; hệ thống trường, lớp, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, trung bình hàng năm tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt 100%; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được triển khai thực hiện có hiệu quả; các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng thường xuyên được tổ chức...

Có thể thấy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách về công tác dân tộc đã góp phần củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; đồng bào phấn khởi, hăng say lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của UBND huyện Chợ Mới: Trên địa bàn huyện, kinh tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển, chưa đồng đều giữa các vùng; nhiều nơi còn lúng túng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập quán canh tác còn lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn cao (chiếm 86,53% tổng hộ nghèo của huyện); khoảng cách về mức sống và mức thu nhập vẫn còn có sự chênh lệch lớn; một số hộ còn thiếu đất sản xuất; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra… Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa đã được chú trọng nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị; một số bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ở một số xã đã có phần bị mai một.

Thời gian tới, huyện Chợ Mới tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, đặc biệt là vùng có nhiều người dân tộc sinh sống, phấn đấu đến năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển nông - lâm nghiệp, ngành nghề nông thôn... tạo bước chuyển biến mạnh cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo yêu cầu sản xuất hàng hóa; mở rộng loại hình dịch vụ, thương mại; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc đối với vùng dân tộc; phát triển văn hóa, giáo dục, y tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào; củng cố hệ thống chính trị vững chắc; giữ vững quốc phòng an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội./.

(backan.gov.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi