Thứ Sáu, 19/4/2024
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Quang

 Trạm Y tế xã Tân Lập phát huy vai trò tuyến y tế cơ sở ban đầu
trong chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay, toàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc với trên 28.200 hộ; DTTS chiếm đến 72,4% cơ cấu dân số của huyện. Trong đó, dân tộc Tày có tỷ lệ cao nhất 44,6% dân tộc Pà Thẻn chiếm tỷ lệ thấp nhất 1%. Những năm qua, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành về công tác dân tộc; cả hệ thống chính trị huyện Bắc Quang đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, như: Phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới (NTM), củng cố hệ thống chính trị, QP-AN vùng dân tộc và miền núi. Từ đó, tạo nên bước chuyển tích cực trên tất cả các lĩnh vực của mảnh đất “cửa ngõ” phía Nam.

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, huyện Bắc Quang đã thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS; thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn. Điển hình trong đó, huyện triển khai hỗ trợ trên 10 tỷ đồng tiền giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 3/3 xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn thuộc 16 xã; hỗ trợ 590 hộ khai hoang 50,1 ha ruộng; 687 công trình cấp nước sinh hoạt phân tán, 69 máy nông cụ được hỗ trợ đã giúp 756 hộ thụ hưởng từng bước cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn của huyện còn tập huấn hướng dẫn 5.200 lượt người nghèo cách phát triển kinh tế. Trên cơ sở này, tại xã Vĩnh Phúc, Tân Lập, 3/3 xã đặc biệt khó khăn (Đồng Tiến, Đức Xuân, Thượng Bình) đã hình thành và phát triển ổn định vùng chuyên canh một số cây trồng thế mạnh có giá trị kinh tế cao, như: Chè, lạc, cam, nhãn. Không những vậy, để từng bước thay đổi tích cực vùng đồng bào DTTS, huyện Bắc Quang còn lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng 130 công trình kết cấu hạ tầng (dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi). Đồng thời, nâng cấp, cải tạo 33,78 km đường huyện, 147,8 km đường xã. Mặt khác, hệ thống kết cấu hạ tầng tại trung tâm 2 thị trấn và 21 xã được chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp phục vụ tốt công tác quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế ở cơ sở.

Trong xây dựng NTM, toàn huyện đã có 6 xã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, KT-XH khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc. Minh chứng cho thấy, để phát huy tính tự chủ, tự quyết định những vấn đề của thôn, Đề án Thôn tự chủ - Tự quản (TC-TQ) là một trong những cách làm sáng tạo, mang tính đột phá của huyện Bắc Quang. Đến nay, toàn huyện có 71 thôn được công nhận thôn TC-TQ, 11 thôn TC-TQ kiểu mẫu, 129 thôn xây dựng Quỹ phát triển thôn có số dư gần 7,2 tỷ đồng để thực hiện công tác phúc lợi ở thôn. Mặt khác, huyện đã xây dựng 32 thôn điển hình về phát triển kinh tế; xây dựng xã Quang Minh, Vĩnh Phúc trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế, còn Đồng Yên trở thành xã NTM kiểu mẫu của huyện và xã Đức Xuân tiếp tục thực hiện Đề án Xã phát triển toàn diện...

Song song với kết quả trên, toàn huyện có 6.252 lao động nghèo là người DTTS được đào tạo nghề; 267.719 lượt người nghèo, cận nghèo người DTTS được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; trên 1.400 trẻ em nghèo bị bệnh tật được khám phân loại, phẫu thuật chỉnh hình... Riêng với lĩnh vực giáo dục, toàn huyện hiện có 79 đơn vị trường học với trên 58% số phòng học được kiên cố hóa, 28 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Đặc biệt, số học sinh chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt trên 99,9%; số em thi đỗ vào các trường đại học công lập đạt 15%; trong đó, học sinh là người DTTS chiếm đến 7,2% số em thi đỗ. Mặt khác, hoạt động của 23 Trung tâm Học tập cộng đồng tại 23 xã, thị trấn được duy trì tốt đã đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao dân trí của người dân, nhất là đồng bào DTTS.

Không dừng ở kết quả trên, lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng, củng cố về tổ chức, quân số. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện có 112 dự bị động viên là người DTTS; 157 thanh niên DTTS được lựa chọn lên đường nhập ngũ. Đặc biệt, chất lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên được nâng lên, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân. Mặt khác, công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh. Trong đó, toàn huyện có 483 tổ tự quản, dòng họ tự quản về an ninh, trật tự/2.071 thành viên; duy trì 261 tổ hòa giải/1.044 thành viên hoạt động hiệu quả ở cơ sở. Mô hình Thôn xóm bình yên, phát triển toàn diện gắn với xây dựng NTM ở xã Tân Quang, “Rừng xanh, suối mát, bản bình yên” ở xã Thượng Bình từng bước chứng minh hiệu quả, góp phần thực hiện công tác đảm bảo AN-QP vùng DTTS.

Từ những kết quả điển hình trên đã tạo cầu nối “Ý Đảng – Lòng dân” để khởi sắc KT-XH vùng đồng bào DTTS huyện Bắc Quang. Thêm vào đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đã đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,2% (giảm 4,7% so với năm 2016). Và kim chỉ nam về công tác dân tộc theo tư tưởng của Bác tiếp tục được cả hệ thống chính trị huyện Bắc Quang vận dụng để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào vùng DTTS./.

(baohagiang.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất