Thứ Tư, 22/1/2025
Nhân rộng mô hình 'bản người Mông tự quản' vùng cao Yên Bái

Ông Ngô Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: Phong Dụ Thượng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên với địa hình rộng, chia cắt; hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Tày, Dao, Mông). Trước đây, đời sống đồng bào dân tộc Mông trong xã còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, trình độ dân trí còn thấp với nhiều phong tục tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi; tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Tình hình an ninh trật tự tại địa phương bất ổn. Người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên trong rừng nên tình trạng chặt phá rừng diễn ra phổ biến.


 Cán bộ xã Phong Dụ Thượng cấy cùng đồng bào Mông

Trước tình trạng trên, năm 2017, Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng đã xây dựng mô hình “bản người Mông tự quản” nhằm từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông trong thực hiện nếp sống văn minh, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình nhằm giúp người Mông tự quản, giúp đỡ nhau, tạo tính cạnh tranh lành mạnh trong phát triển kinh tế và tạo thuận lợi trong việc tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Mô hình “bản người Mông tự quản” xã Phong Dụ Thượng được chia thành 3 nhóm gồm: Thôn  Khe Táu, Khe Dẹt và Bản Lùng với 127 hộ gia đình người Mông, 778 nhân khẩu; trong đó, chủ yếu người Mông sống tại thôn Khe Táu với 72 hộ gia đình. Mô hình còn có Ban tự quản là các trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng nhóm, công an viên và già làng. Ban tự quản thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình và hòa giải những vấn đề khúc mắc, mâu thuẫn tranh chấp đất đai.

Khi mới triển khai mô hình, xã còn gặp khó khăn bởi người Mông có nhiều phong tục lạc hậu như: Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thách cưới diễn ra phổ biến. Do đó, xã đã chỉ đạo các nhóm tổ chức đến từng hộ gia đình tuyên truyền cho người Mông hiểu mục tiêu mà mô hình hướng tới; mỗi thành viên trong Ban tự quản mô hình là những người xung phong đi đầu, vận động gia đình, anh em họ hàng, từ đó, đồng bào Mông trong xã đã tự tuyên truyền cho nhau để tham gia mô hình.

Mô hình được ra mắt với sự tham gia toàn bộ của đồng bào Mông trong xã. Sau khi thỏa thuận, các hộ gia đình đồng bào Mông cam kết thực hiện theo đúng nội quy mà mô hình đã đề ra với 8 nội dung: Một là không nghe thông tin tuyên truyền của các phần tử xấu, lợi dụng dân tộc, tôn giáo để lôi kéo đồng bào Mông theo đạo, từ bỏ truyền thống thờ cúng tổ tiên. Hai là không di cư tự do, lôi kéo người khác di cư đến hoặc đi khỏi địa phương. Ba là không trồng cây thuốc phiện, mua bán sử dụng trái phép chất ma túy.

Bốn là không tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè gây mất trật tự. Năm là không tàng trữ, sử dụng chất cháy nổ. Sáu là không tổ chức cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, tang và lễ hội, bỏ các thủ tục lạc hậu như đám ma, cưới nhiều ngày gây ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa. Bảy là đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chủ động giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Tám là chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của xã, thôn. Từ những nội quy đã đặt ra, nếu gia đình nào không thực hiện đúng sẽ bị phê bình trước bà con nhân dân.

Sau 2 năm triển khai, ông Lù A Dờ, Bí thư chi bộ thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng cho biết: Trước khi xây dựng mô hình này, trong thôn thường xuyên xảy ra tình trạng như: thách cưới cao với số tiền 30 - 40 triệu đồng; các thủ tục ma chay lạc hậu kéo dài ngày. Cùng với đó, mỗi năm có khoảng 10 trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình và trộm cắp tài sản còn phổ biến.

Sau khi thực hiện mô hình, số tiền thách cưới đã giảm xuống chỉ còn dưới 10 triệu đồng; trong gần 2 năm chỉ còn 3 - 4 trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3. Người dân trong thôn biết đoàn kết, không còn xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai và trộm cắp tài sản. Các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang được xóa bỏ, bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 68 hộ xuống còn hơn 20 hộ nghèo. Học sinh đều được đến lớp theo đúng độ tuổi…


  Đồng bào dân tộc Mông xã Phong Dụ Thượng thu hoạch lúa

Đặc biệt, năm 2018, địa bàn xã đã xảy ra trận lũ quét gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân; trong đó có 15 hộ gia đình người Mông bị thiệt hại. Ban tự quản mô hình đã vận động các hộ gia đình không bị thiệt hại cùng nhau xây dựng lại nhà cửa, quyên góp thóc gạo, san sẻ khó khăn cho các hộ bị thiệt hại. Đồng thời, các hộ cùng nhau cải tạo diện tích đất sản xuất bị vùi lấp. Đối với diện tích không cải tạo được, các hộ chuyển đổi sang chăn nuôi, buôn bán. Đến nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây được cải thiện từng ngày. 

Anh Tráng Sái Dua, bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng chia sẻ: Mô hình “bản người Mông tự quản” đã giúp người dân trong bản gắn kết với nhau hơn. Nhiều hộ gia đình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế mang lại hiệu quả. Cùng với đó, học sinh được đi học đầy đủ.

Mô hình “bản người Mông tự quản” xã Phong Dụ Thượng là một trong những mô hình dân vận khéo mang lại hiệu quả cao. Hiện toàn tỉnh Yên Bái có hơn 3.000 mô hình dân vận khéo (912 mô hình điển hình tiêu biểu); trong đó, 979 mô hình kinh tế, 1.389 mô hình văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh có 436 mô hình, chính trị 246 mô hình…

Theo ông Hoàng Việt Minh, Trưởng phòng Tổng hợp, Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái, các mô hình dân vận khéo trên địa bàn đã góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, phát huy vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Những mô hình mang tính hiệu quả cao, trong đó có mô hình “bản người Mông tự quản” xã Phong Dụ Thượng cần tiếp tục phát huy và nhân rộng ra toàn tỉnh.

Theo báo cáo Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, hiện Yên Bái có gần 100.000 người dân tộc Mông, chiếm 12,2% dân số toàn tỉnh; người Mông sinh sống tại 244 thôn, bản của 41 xã trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã thuộc huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên và Văn Chấn (Yên Bái). 

Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đưa các mô hình dân vận khéo và chính sách dân tộc đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong đó có đồng bào dân tộc Mông, nhằm hỗ trợ họ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện đề án vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nếp sống văn minh, đặc biệt trong việc cưới và việc tang, đã mang lại chuyển biến trong nhận thức của đồng bào dân tộc.

Đến nay, 100% người Mông đã thực hiện ăn chung một Tết, các hủ tục thách cưới dần được xóa bỏ, trong việc tang đã đưa người chết vào áo quan bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, nhiều cộng đồng người Mông đã tập trung phát triển kinh tế, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, từng bước nâng cao thu nhập cho từng hộ gia đình./.

(baotintuc.vn/TTXVN)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi