Thứ Hai, 23/12/2024
Hội thảo Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số
 
Quang cảnh Hội thảo


Đồng chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Điểu K’Ré, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Dự Hội thảo còn có thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Dân tộc một số tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Dân tộc qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo, các vụ, đơn vị thuộc Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc luôn được Đảng ta xác định có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, đề ra nhiều giải pháp thiết thực phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, dành nguồn lực đáng kể đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi. Nhờ đó, nước ta đạt được thành tựu to lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt, niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được tăng cường.

 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu khai mạc Hội thảo 


Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay vùng DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một số vấn đề bức xúc trong đồng bào DTTS như di cư tự phát, thiếu đất ở, nhà ở dột nát, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, chưa đăng ký hộ khẩu… chưa được giải quyết hiệu quả. Đời sống một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Dân số DTTS chiếm 14,6%, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63,35% tổng số hộ nghèo của cả nước. Vẫn còn 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng việt, thu nhập hộ DTTS chỉ bằng 40 - 50% thu nhập bình quân khu vực, tỷ lệ sinh con tại nhà rất cao… Những vấn đề trên đang là nỗi trăn trở, day dứt của nhiều cấp lãnh đạo, nhất là những người trực tiếp tham mưu về công tác dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, tới đây, Ban Chỉ đạo sẽ đề xuất Bộ Chính trị cho ý kiến về việc tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rốt ráo xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10/2019). Hội thảo lần này cần tìm ra những vấn đề cấp bách của vùng DTTS và miền núi và luận giải vấn đề đó bằng các căn cứ khoa học và thực tiễn nhằm trả lời thấu đáo một số vấn đề, góp phần tạo ra những định hướng cho công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn tới với mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc, vùng DTTS và miền núi phát triển nhanh, bền vững, hội nhập với sự phát triển chung của cả nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tham luận nhằm đánh giá, làm rõ hơn về công tác thể chế Nghị quyết số 24-NQ/TW tại các địa phương trong những 15 năm qua, đồng thời đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp gắn với yêu cầu thực tiễn của công tác dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, qua 15 năm thực hiện, các quan điểm của Nghị quyết số 24-NQ/TW vẫn còn giá trị rất to lớn. Những quan điểm này cần tiếp tục được làm sâu sắc trong quá trình thực hiện chính sách. Từ Nghị quyết số 24-NQ/TW  đến nay, quan điểm của Đảng về công tác dân tộc là nhất quán. Công tác thể chế các quan điểm này có nhiều tiến bộ, thể hiện mối quan tâm đối với công tác dân tộc, qua nhiều năm đã ban hành hệ thống chính sách về công tác dân tộc khá đồ sộ với 118 chính sách bao gồm 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp.

 
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo


Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, thời gian tới cần tiếp tục nhận diện những vấn đề đặt ra trong tình hình mới đối với công tác dân tộc, cần có giải pháp khả thi hơn và cách tiếp cận phù hợp hơn. Các chính sách về công tác dân tộc sắp tới cần đủ, mạnh, quyết tâm và hiệu quả. Cuộc sống của đồng bào DTTS sẽ là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó cần giải quyết được các vấn đề về đói nghèo, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm khoảng cách giàu nghèo, hướng tới phát triển bền vững; hệ thống các chính sách liên quan đến cuộc sống đồng bào DTTS phải được sắp xếp lại, được lồng ghép, nâng cao hiệu quả và được thực hiện trong một cơ chế điều hành hợp lý hơn; phải có chính sách đặc thù để giải quyết nhanh hơn các mục tiêu mong muốn; các chính sách phải gắn với điều kiện sinh sống, với văn hóa, tập quán tốt đẹp và phát huy được tiềm năng, yếu tố tích cực của cộng đồng và gắn các vấn đề trong phát triển. Ngoài ra, các vấn đề như: cơ sở hạ tầng, tình trạng du canh du cư, công tác cán bộ là người DTTS, xây dựng người có uy tín, quản lý nhà nước về công tác dân tộc… cũng cần phải được quan tâm.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu sẽ được tiếp thu để hoàn thiện các báo cáo, đối với với Nghị quyết số 24-NQ/TW báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung Đề án tổng thể và dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hội thảo đã thống nhất xác định quan điểm đầu tư cho miền núi là đầu tư cho phát triển, trong đó nguồn lực của Nhà nước là quan trọng, quyết định huy động các nguồn lực khác. Về phân cấp, Trung ương sẽ xây dựng chính sách khung và có tính chất khung, còn cụ thể do cấp tỉnh quyết định; thực hiện tăng cho vay, giảm cho không và hỗ trợ có điều kiện. Các đại biểu cũng tán thành việc báo cáo với Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo đó ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Tin và ảnh: Ngọc Mai

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi