Thứ Tư, 24/4/2024
Cần chú trọng vấn đề phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương.


 Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 về công tác dân tộc, tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện, làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Sản xuất bước đầu đã phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản xuất hàng hóa. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. An ninh, chính trị, trật tự - an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh hơn bình quân của cả nước.

Tại Hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo thống đã đóng góp thảo luận và thống nhất kiến nghị trên cơ sở báo cáo tổng kết Nghị quyết 24, đề nghị Bộ Chính trị ban hành Kết luận về công tác dân tộc giai đoàn 2019-2020 để lãnh đạo, chỉ đạo ngay những nội dung đặt ra trong thực tiễn cần giải quyết; đồng thời, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ cụ thể hóa Khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”; giao Đảng đoàn Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giao Chính phủ xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện từ năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình mới, để tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 24 về công tác dân tộc cần chú trọng vấn đề phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực nói chung, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng là công việc cần được chú trọng hơn. Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy đảng, toàn hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; động viên, khuyến khích người dân tham gia vào quá trình phát triển, khắc phục tư tưởng ỷ lại. Bên cạnh đó cần quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi bởi nếu không, vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ đối mặt với nhiều vấn đề trong nhiều năm tới như: Ô nhiễm môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu…

Đồng chí cho rằng cần kiên trì, nhất quán thực hiện nguyên tắc các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết cùng nhau phát triển, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu tập trung phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, bởi đây chính là lực lượng dẫn dắt vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển; đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nhằm thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về công tác dân tộc theo hướng tích hợp, lồng ghép vào các nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phương thức thực hiện chính sách cần được đổi mới để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận các chính sách ưu tiên, ưu đãi. Về cơ chế đầu mối, cần thay đổi, đổi mới tổ chức, mô hình, bộ máy, điều phối giảm thiểu đầu mối về chính sách theo vùng, tập trung vào hoạt động của Ủy ban Dân tộc các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Đồng thời, cần ban hành tiêu chí, xây dựng chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ, tích cực của đồng bào, khắc phục tư tưởng ỷ lại, ổn định cuộc sống cho đồng bào du canh, du cư, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, thực thi các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đấu tranh với các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp…/.

Hoàng Phong

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất