Thứ Sáu, 26/4/2024
Bình Liêu: Nỗ lực nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Kết cấu hạ tầng giao thông ở khu vực nông thôn
 của Bình Liêu ngày càng được hoàn thiện

Tính đến hết năm 2018, toàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) còn 11,35% hộ nghèo, 16,89% hộ cận nghèo. Đây là tỷ lệ khá cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Từ thực tiễn đó, trong năm 2019, với quyết tâm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS của Trung ương và tỉnh, huyện Bình Liêu đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để triển khai hàng loạt các chương trình, dự án, nhất là  thực hiện hiệu quả Đề án 196, chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, xác định rõ, kết cấu hạ tầng là yếu tố trọng tâm nhất để thúc đẩy kinh tế - xã hội, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp nên huyện đã quan tâm rà soát, quy hoạch và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên những dự án, công trình có tính chất động lực cho từng khu vực. Năm 2019, huyện được cấp gần 138 tỷ đồng, từ đầu năm đến nay, huyện đã phân bổ được trên 100 tỷ đồng... Thông qua nguồn vốn đó, huyện đã triển khai 124 dự án, công trình gồm 30 công trình giao thông, 24 công trình thủy lợi, nước sạch và hàng loạt dự án quan trọng về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Huyện cũng huy động được gần 18 tỷ đồng từ các nguồn lồng ghép và huy động sự đóng góp của cộng đồng. Nhờ vậy, đến nay, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi của huyện cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện Bình Liêu luôn đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con vùng đồng bào DTTS thông qua các dự án hỗ trợ phát triển. Trong 7 tháng năm nay, huyện đã phân bổ trên 16,3 tỷ đồng để hỗ trợ 12 dự án cho trên 300 hộ dân nuôi trâu, bò...

Việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ vùng dân tộc làm nòng cốt trong vận động nhân dân được huyện chú trọng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh cử 22 cán bộ xã tham gia lớp tập huấn và học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về nâng cao năng lực cộng đồng cho cán bộ cơ sở. Huyện cũng mở 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và cán bộ thôn, bản nhằm trang bị, bổ sung những kiến thức về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho các hộ dân tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn... 


 Cán bộ Lâm trường 155 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327) hướng dẫn
 người dân bản Phật Chỉ, xã Đồng Văn (Bình Liêu)
cách gieo, trồng giống lúa mới

Từ đặc thù của địa phương, huyện Bình Liêu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất mang tính hàng hóa ngày càng cao như vùng chuyên canh hồi, quế ở Đồng Văn, Lục Hồn, cây dong riềng ở Tình Húc, Húc Động... Thông qua việc làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, nâng cao năng suất trên một diện tích canh tác, hiện nay, diện tích canh tác trên địa bàn huyện cơ bản ổn định với năng suất, chất lượng nông - lâm sản ngày càng cao.

Việc huy động các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội cũng mà là một trong những giải pháp được Bình Liêu thực hiện hiệu quả, qua đó không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn thiết thực xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Trao đổi về việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương, đồng chí Triệu Đình Sinh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bình Liêu, cho biết: Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song nhìn chung, đời sống của một số hộ đồng bào vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, hiện nay, huyện đang tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể để tìm thêm các giải pháp mới đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân phù hợp hơn./.

(baoquangninh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất