Huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận hiện có 10 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai, chiếm trên 87%. Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, huyện Bác Ái đã huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án thực hiện những chính sách hỗ trợ đặc thù cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Chương trình 30a, chương trình 135… có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo của các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn huyện. Từ năm 2014 đến nay triển khai Chương trình 30a của Chính phủ với tổng kinh phí phân bổ hơn 200 tỷ đồng huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đã đầu tư 222 hạng mục công trình thiết yếu nhằm phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông nội đồng, đường giao thông đến các khu sản xuất; công trình phục vụ về hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục… Ngoài ra, huyện đã thực hiện được 124 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng các mô hình có hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững.
|
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, nhiều hộ nông dân ở xã Phước Bình
(Bác Ái) có thu nhập ổn định từ cây bưởi da xanh
|
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí Thư huyện ủy Bác Ái cho biết: Để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, huyện đã triển khai nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng, đó là huyện tập trung triển khai thực hiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Huyện đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết “4 nhà” và các mô hình có hiệu quả, điển hình là mô hình trồng bưởi da xanh, bắp nếp, heo đen… Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp Nam Trung Bộ và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh thực hiện 2 mô hình ứng dụng sản xuất giống lúa cao sản và giống lúa chịu hạn CH 207, CH 208; thực hiện các đề tài trồng tre điền trúc, sầu riêng, sa nhân dưới tán cây điều, bước đầu các mô hình đã phát triển tốt, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất cho bà con đồng bào DTTS. Bên cạnh trồng trọt thì chăn nuôi được xác định là ngành chủ lực trong nông nghiệp của huyện, vì vậy trong những năm gần đây người dân đã tâp trung phát triển đàn gia súc như: bò cái sinh sản, heo đen, heo siêu nạc, dê, cừu…Tính đến nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn có gần 66.000 con.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển trang trại giai đoạn 2014-2019 với tổng dư nợ 200 tỷ đồng. Nhìn chung từ các chính sách vay ưu đãi, người dân đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và tập trung chủ yếu cho trồng trọt, phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của huyện đang từng bước phát triển, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 12,4%, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, không còn hộ thiếu đói, bình quân đầu người đạt khoảng 10-12 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sự nghiệp giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội cũng được chú trọng hơn trước, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được chính quyền các xã triển khai thực hiện kịp thời tại các tuyến cơ sở, vì vậy số lượt người khám chữa bệnh ở cơ sở y tế những năm gần đây tăng so với năm trước, nhằm giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Trong đó, 100% đối tượng chính sách, đồng bào DTTS được hỗ trợ BHYT; về chính sách giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí, toàn huyện có 35 trường học với 711 giáo viên đạt chuẩn 100%, tổng số học sinh huy động đầu năm học 2018-2019 là 7.688 học sinh.
Trong thời gian tới, Bác Ái sẽ tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Phấn đấu đến năm 2024 giảm 5-7% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm, chú trọng đầu tư lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.
(baoninhthuan.com.vn)