Thứ Tư, 22/1/2025
Thái Nguyên: Đổi thay từ những bản làng vùng xa

 Ông Lý Phúc Trọng, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Đình, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa
chuyện trò với người dân trong xóm

Người đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến là Bí thư Chi bộ Lý Phúc Trọng, người dân tộc Sán Chay, sinh năm 1949 ở xóm Hát Mấy, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, Ông được Đảng bộ xã Tân Thịnh điều động lên xóm Đồng Đình làm Bí thư Chi bộ từ năm 2005. Đây là xóm khó khăn nhất huyện Định Hóa, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Dù không phải là người ở xóm, nhưng với vai trò là Bí thư Chi bộ ông luôn gương mẫu đi đầu, vận động bà con trong xóm phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trước đây, con đường đi vào xóm lầy lội vào mùa mưa, khói bụi vào mùa nắng, người dân đi lại khó khăn, việc mở đường vào xóm rất khó khăn vì phần lớn người dân đều sợ mất đất. Ông Trọng chia sẻ: Tôi hiểu rõ chủ trương của Đảng và của địa phương cũng như giá trị, lợi ích của đường giao thông nông thôn mang lại, vì vậy tôi đến từng nhà người dân vận động hiến đất, ngày công lao động. Các vấn đề nảy sinh đều được bàn bạc dân chủ, giải quyết thấu tình, đạt lý để mọi người ủng hộ, làm theo. Cũng nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm của ông mà người dân hiểu và tình nguyện hiến hơn 2000 m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động để hoàn thành tuyến đường với tổng chiều dài 1,3km. Giờ đây, những con đường bê tông sạch đẹp, giúp người dân đi lại thuận lợi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, làm giàu cho các hộ gia đình và địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển.

Người thứ 2 mà chúng tôi muốn nhắc đến là ông Chu Văn Ngoan, Bí thư Chi bộ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xóm La Đùm, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. Giữa màu xanh bạt ngàn của rừng keo, hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi nhà sàn mái lợp ngói đỏ khang trang, rộng rãi. Trong câu chuyện phát triển kinh tế, ông Ngoan kể cho chúng tôi nghe: " Trước kia, không riêng gì gia đình tôi đâu mà cả xóm này đều khó khăn. Khi ấy đường xá không có, toàn là đường đất. Cả xóm có 90 hộ dân thì có tới 70% là hộ nghèo, bám trụ với cây lúa, cây ngô mưu sinh, lam lũ là vậy nhưng cuộc sống của gia đình tôi cũng như bà con trong xóm không khấm khá hơn là mấy. Tôi luôn trăn trở làm thế nào để thoát khỏi nghèo khổ". Khoảng những năm 2000, ông Ngoan được bầu làm trưởng xóm. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, thông qua những chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn, nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được tổ chức cho đồng bào dân tộc thiểu số để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất. Tận dụng lợi thế đất lâm nghiệp, ông tập trung phát triển kinh tế rừng, đồi với 2 ha keo, hơn 1 ha chè và hơn 1 mẫu lúa. Bên cạnh đó, ông cũng đầu tư 1 chiếc xe tải để làm dịch vụ vận chuyển. Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Theo gương ông, nhiều hộ gia đình cũng tích cực phát triển kinh tế gia đình từ diện tích vườn, rừng có sẵn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, người có uy tín giữ vị trí, vai trò hết sức to lớn trong đồng bào dân tộc, họ là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của địa phương. Bằng uy tín của mình, người có uy tín đã đi đầu trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân đoàn kết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn trong xã hội, nhất là hủ tục lạc hậu, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần không nhỏ để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đạt hiệu quả. 

Những năm qua, cùng với sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, nhóm giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số như Chương trình 135; Quyết định 2037; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, không ít các chính sách, chương trình tập huấn, trang bị kiến thức sản xuất và sinh hoạt, ý thức chăm sóc sức khỏe cho người dân được phổ biến và đã thu được kết quả khả quan khi áp dụng vào thực tế. Nhờ sự hỗ trợ của các chương trình khuyến nông mà người nông dân đã mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi chuyển sang nuôi, trồng các cây, con có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh các phong trào thi đua yêu nước, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày một vững mạnh; các thiết chế văn hóa vùng dân tộc miền núi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng bào các dân tộc đã giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Nhiều nhân tố đã góp phần giữ lửa cho văn hóa truyền thống của quê hương. Đặc biệt công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, một số giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đã được khuyến khích phát huy, phục dựng và duy trì thực hiện. Chính điều này đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc để thế hệ trẻ nêu cao tinh thần trách nhiệm giữ gìn và tiếp tục pháp huy.

Ông Nguyễn Thái Nam - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong tháng 9 này, tỉnh sẽ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III nhằm tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số; tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn từ 2014 – 2019. Thông qua sự kiện chính trị này tích cực tuyên truyền những thành tựu về công tác dân tộc ở từng địa phương và toàn tỉnh; nêu gương người tốt, việc tốt, sản xuất và làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, các tấm gương tập thể, cá nhân (người dân tộc thiểu số) điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các hoạt động văn hóa thông tin hướng về cơ sở; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua việc triển khai các chương trình chính sách, dự án như thổi một luồng gió mới đến với vùng đồng bào dân tộc, giúp bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế; nhiều vùng đất khó khăn, cằn cỗi nay đã thay đổi rất nhiều; tư duy, tập quán canh tác của bà con cũng dần được đổi mới. Đây chính là tiền đề, động lực để bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao, nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Thái Nguyên./.

(thainguyen.gov.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi