Chủ Nhật, 22/12/2024
Phó Thủ tướng Thường trực dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội


Gia Lai nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tiếp giáp với nhiều tỉnh trong nước và khoảng 90 km biên giới với nước bạn Campuchia. Toàn tỉnh có 34 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 700.000 người, chiếm gần một nửa số dân trên toàn tỉnh (46%).

Là tỉnh vùng cao biên giới, đầu nguồn của nhiều hệ thống sông lớn chảy về Duyên hải miền Trung và lưu vực sông Mekong nên có vị trí rất quan trọng về quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Thời gian qua, chính quyền Gia Lai ưu tiên, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Đến nay, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác định canh, định cư đạt trên 90% về số hộ, cơ bản giải quyết tình trạng di cư tự do; vùng người dân tộc thiểu số ngày càng nhiều phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi; các chính sách đầu tư ngày càng kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Những nỗ lực trên đã góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số năm 2015 chiếm hơn 40%, đến năm 2018 còn hơn 21%. Bình quân mỗi năm, số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm 6,37% (tính chung, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,3% mỗi năm).

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Gia Lai là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, đồng bào Gia Lai luôn trung thành với Đảng, các dân tộc anh em trên toàn tỉnh luôn sát cánh cùng nhau, dũng cảm chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Gia Lai có nhiều tấm gương anh hùng người dân tộc, được cả nước biết đến như anh hùng Núp lãnh đạo dân làng kháng chiến STơr, huyện Kbang đứng lên đánh giặc Pháp, hay Anh hùng A Sanh - người lái đò trên sông Pô Cô…

Phát huy truyền thống quý báu đó, ngày nay, đồng bào các dân tộc thiểu số một lòng thủy chung, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng thôn, làng, quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong đầu tư phát triển toàn diện địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Tỉnh cũng làm tốt việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã, thôn đặc biệt khó khăn... Công tác giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa; đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, công tác quốc phòng, an ninh vùng dân tộc và miền núi được quan tâm đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

 
 Đại hội bầu 59 đại biểu chính thức và 5 đại biểu dự khuyết tham dự
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc.

Khẳng định những kết quả đạt được thể hiện nỗ lực lớn, công sức của quân và dân tỉnh Gia Lai trong chăm lo, cải thiện đời sống đồng bào người dân tộc thiểu số nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, hiện đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, thuận lợi và khó khăn đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai cần phát huy cao độ truyền thống của quê hương, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển.

Do vậy, trong thời gian tới, để địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục ưu tiên, tập trung các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đồng bộ. Khai thác tiềm năng lợi thế về địa chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng để tạo sinh kế mới; phát triển các dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị; khai thác tiềm năng về văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Đi đôi với phát triển kinh tế, cần tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả những vấn đề khó, phức tạp trong cộng đồng.

Ngoài ra, chính quyền các cấp cần tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, đội ngũ cán bộ, công chức trung thành, tận tuỵ, liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng kỳ vọng gần 700.000 người dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh Gia Lai tiếp tục đồng lòng chung sức, xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển. Mọi nhà, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất