Thứ Tư, 22/1/2025
Gia Lai: Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số lập nghiệp thành công

 Gia đình anh Đinh Khek, 34 tuổi, dân tộc Bahnar, sống tại làng T’kăt,
xã Đăk Kơning (Kông Chro, Gia Lai) thoát nghèo nhờ chăn nuôi, trồng trọt

Từ năm 2016-2019, toàn tỉnh Gia Lai có 4 gương thanh niên làm kinh tế giỏi được Trung ương Đoàn vinh danh, trao giải thưởng Lương Định Của, trong đó có một gương là người dân tộc thiểu số. Trong 85 dự án, ý tưởng tham gia cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, có 3 dự án của thanh niên dân tộc thiểu số.

Giữa tháng 11/2019, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai đã tuyên dương 5 gương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu, giai đoạn 2014-2019, trong đó có 5 gương là người dân tộc thiểu số với mức thu nhập (đã trừ chi phí) bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

Anh Đinh Khek, dân tộc Bahnar, năm nay 34 tuổi, sống tại làng T’kăt, xã Đăk Kơning, huyện Kông Chro là một điển hình. Anh Đinh Khek là một đảng viên trẻ, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Kơning.

Anh Khek cho biết, năm 2008 anh lấy vợ, nhưng gia cảnh khó khăn nên hai vợ chồng ở nhờ bên ngoại. Anh công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã, vợ ở nhà làm nông cũng không đủ nuôi 2 con nhỏ. Năm 2010, anh ra ở riêng với căn nhà làm bằng tre, nứa, tranh. Mặc dù có đất cha mẹ cho nhưng vợ chồng anh Khek không biết trồng cây gì nên để cỏ mọc hoang.

Sau này, được dự nhiều lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và Huyện Đoàn Kông Chro cho đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế, anh Khek đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua bò sinh sản về nuôi vào năm 2014. Nhờ chăm chỉ, siêng năng, đàn bò của anh Khek nhanh chóng phát triển.

Không dừng lại ở đó, anh Khek tiếp tục đầu tư mua thêm bò, dê phát triển thành đàn; đào ao thả cá; khai hoang đất trồng lúa. Hiện, gia đình anh có 22 con bò, 40 con dê sinh sản, 2 ao cá, 1 ha lúa, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Với kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo của mình, anh Khek đã tạo điều kiện cho bà con người dân tộc thiểu số trong vùng cải thiện cuộc sống bằng cách giao cho bà con nuôi bò, dê của mình. Sau khi bò, dê sinh sản, bà con và anh Khek sẽ chia đôi số con nhỏ này. Nhờ vậy, nhiều gia đình trong làng đã dần có của ăn, của để và cuộc sống ổn định hơn.


 Đàn bò của gia đình anh Đinh Khek, 34 tuổi, dân tộc Bahnar,
sống tại làng T’kăt, xã Đăk Kơning (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai)

Cũng là một gương thanh niên điển hình trong công tác lập thân, lập nghiệp, anh Ksor T’lía, 30 tuổi, dân tộc Jrai, sinh sống tại buôn Pan, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa được bà con yêu mến bởi anh thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo khó trong làng.

Gia đình anh Ksor T’lía thuộc hộ nghèo của xã nên khi anh lập gia đình, hai vợ chồng anh đã lên rừng lấy tre, nứa làm tạm căn nhà 15 m2 bên phần đất của bố mẹ. Đến năm 2009, nhờ chương trình 167 của Chính phủ, gia đình anh được hỗ trợ 8 triệu đồng và anh vay thêm để xây dựng một căn nhà kiên cố.

Tuy hằng ngày, vợ chồng anh Ksor T’lía tất bật đi làm thuê kiếm sống, nhưng với bản tính năng nổ, nhiệt tình, anh vẫn tích cực tham gia vào nhiều hoạt động Đoàn do thôn, xã tổ chức. Năm 2013, anh Ksor T’lía được bầu làm Bí thư chi đoàn xã Ia Rsai.

Được tiếp cận kiến thức sản xuất kinh doanh qua các lớp tập huấn thường niên ở xã, anh Ksor T’lía mạnh dạn về mượn đất bố mẹ, vay thêm tiền mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để phục vụ bà con trong buôn, làng. Từ đó, có thêm vốn, anh mở rộng kinh doanh bằng việc thu mua nông sản trong vùng. Năm 2015, thấy bà con vận chuyển nông sản khó khăn vì vùng sản xuất cách xa nơi ở, anh mạnh dạn vay thêm vốn mua 1 xe tải chở hàng, đến tận nương, rẫy thu mua nông sản cho người dân.


 Anh Ksor T'lía, dân tộc Bahnar, 30 tuổi, dân tộc Jrai,
sinh sống tại buôn Pan, xã Ia Rsai (Krông Pa, Gia Lai) trồng sắn


Với bản tính nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc, anh Ksor T’lía luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ quan giao. Ngoài chức danh là Bí thư Chi đoàn xã Ia Rsai, đảng viên trẻ, anh Ksor T’lía còn là Phó Bí thư chi bộ - Trưởng buôn Pan. Ngoài thời gian chính dành cho công việc, anh tận dụng hết thời gian rảnh cho việc phát triển kinh tế gia đình. Hiện anh đang có 2 cửa hàng tạp hóa trong làng, 2 xe ô tô chở hàng, 1 đại lý thu mua nông sản, 8 ha sắn xen canh trong vườn điều. Ước tính, thu nhập bình quân của gia đình anh khoảng 500 triệu đồng/năm.

Đồng cảm với những khó khăn của thanh niên lập nghiệp, anh Ksor T’lía tạo điều kiện giúp đỡ người dân trong làng bằng cách cho vay vốn phát triển kinh tế, vay gạo ăn mùa giáp hạt, vay tiền làm nhà ở.

Anh Rô Hiệp, buôn Pan, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa xúc động chia sẻ, vợ chồng anh thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất. Theo đó, anh Ksor T’lía đã cho vợ chồng anh vay 25 triệu đồng không tính lãi suất để làm nhà. Khi anh T’lía cần nhân công thu hoạch mùa vụ, hai vợ chồng anh Rô Hiệp đến làm để trừ nợ.

“Vợ chồng tôi mang ơn anh T’lía lắm. Không chỉ giúp gia đình tôi, anh T’lía còn giúp nhiều hộ dân nghèo trong buôn. Anh cũng thường xuyên làm từ thiện, phát gạo cho người nghèo. Dân làng ai cũng yêu mến anh T’lía”, anh Rô Hiệp nói.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, những điển hình gương thanh niên lập nghiệp này còn hỗ trợ, giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Qua đó, thể hiện tình đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai./.

(baotintuc.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi