Thứ Sáu, 19/4/2024
Nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô

 Đồng bào dân tộc Dao ở huyện Ba Vì với nghề truyền thống làm thuốc nam

Qua đó, không ngừng nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho người dân, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng bền chặt. Phóng viên báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về công tác dân tộc trên địa bàn Thủ đô.

Phóng viên (PV):Ông có thể cho biết tình hình vùng đồng bào DTTS trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay?

Ông Nguyễn Tất Vinh: Hiện Hà Nội có 107.847 người thuộc 50 thành phần DTTS sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày chiếm 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%… Đồng bào DTTS cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) với hơn 55.000 người, chiếm 51% người DTTS toàn thành phố. Mỗi DTTS trên địa bàn Hà Nội đều có phong tục, tập quán, sắc thái văn hóa riêng, kế thừa và chịu ảnh hưởng của văn hóa các dân tộc khác.

PV:Những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn; ông có thể cho biết kết quả mà những chính sách này mang lại?

Ông Nguyễn Tất Vinh: Với cách làm sáng tạo, bài bản, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ưu tiên các xã khu vực nông thôn miền núi. Các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm hơn 12%, thu nhập bình quân đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2016, thành phố không còn xã khu vực 3 và thôn đặc biệt khó khăn. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi là 3,7%, dự kiến hết năm 2019 còn 3%. Đồng thời, cơ sở hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư hiệu quả. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã và 60% đường giao thông liên thôn, đường trục chính của thôn được trải nhựa hoặc đổ bê tông; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 14/14 xã dân tộc, miền núi của thành phố đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 100% số người nghèo, cận nghèo ở các xã vùng đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;…

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, trong giai đoạn 2014-2018, thành phố đã bố trí tổng số vốn trên 5,78 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cũng cho vay vốn gần 7.300 lượt hộ DTTS nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo... Ngoài ra, thành phố đã quy hoạch tổng thể phát triển nghề và làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, đã có 13 xã vùng dân tộc, miền núi có làng nghề, trong đó, có 5 xã thuộc huyện Ba Vì được công nhận làng nghề truyền thống. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã dạy nghề cho 2.568 học viên là người DTTS. Tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 85,6%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tại địa phương.

PV: Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, công tác dân tộc trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tất Vinh: Nhằm phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS và miền núi, trong thời gian tới, Ban Dân tộc thành phố sẽ chủ động tăng cường và đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn; có giải pháp cụ thể về huy động các nguồn lực để thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhằm xây dựng đồng bộ hạ tầng KT-XH nông thôn miền núi, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới. Ban Dân tộc thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thông tin; nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động đồng bào chống các biểu hiện mê tín, dị đoan. Cùng với đó, thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của người có uy tín bằng việc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin, học tập kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời. Do đó, vai trò của người có uy tín được phát huy, góp phần phát triển KT-XH và giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(qdnd.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất