Những năm gần đây, các cấp ủy đảng và chính quyền ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với những cách làm thiết thực, các mô hình này đã thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực, đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định có gần 30% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Để tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của bà con DTTS, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tăng cường lãnh đạo, quán triệt thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và dân vận. Đồng thời, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc, các cấp, các ngành tổ chức quán triệt Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20.10.2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS” đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó, tạo chuyển biến sâu sắc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng.
|
Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh tổ chức đối thoại với nhân dân làng Tà Điệk,
xã Vĩnh Hảo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con
|
Hiện nay, huyện Vĩnh Thạnh có 98% thôn, làng được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 37/40 thôn đồng bào DTTS có nhà văn hóa, nhà rông để nhân dân hội họp và sinh hoạt. Ngoài ra, 100% thôn đồng bào DTTS đều có tổ chức đảng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh, nhìn nhận: Có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước còn có vai trò quan trọng của công tác dân vận. Các cấp ủy đảng trong huyện xác định rõ việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các mô hình, các điển hình “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chính quyền các xã, thị trấn và các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thường xuyên bám sát địa bàn, tổ chức gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc vận động nhân dân thực hiện quy chế, hương ước ở khu dân cư. Đơn cử như các mô hình: cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông; Tổ phụ nữ không sinh con thứ 3; Trường học thân thiện, học sinh tích cực; 2 vận động, 2 tố giác; Tự quản về ANTT; Phụ nữ bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, các mô hình giúp bà con cải tiến sản xuất, phát triển kinh tế bền vững cũng được triển khai hiệu quả như: Nông dân sản xuất giỏi, cánh đồng mẫu, nuôi gà trên đệm lót sinh học…
Bà Đào Thị Kim Nhung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Hiệp, chia sẻ: Để công tác dân vận khéo phát huy hiệu quả tích cực, cán bộ dân vận phải là người có uy tín và nói được, làm được. Đồng thời, thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải thích, động viên; khuyến khích bà con đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển KT-XH.
Ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: “Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn huyện nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp; huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội và các mô hình “Dân vận khéo”. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương luôn quan tâm lắng nghe, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc và nguyện vọng chính đáng của bà con”./.
(baobinhdinh.com.vn)