Thứ Bảy, 23/11/2024
Bắc Kạn xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm có 100% cán bộ là người dân tộc thiểu số


Đổi mới đào tạo

Bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có tính kế cận, Bắc Kạn khuyến khích, hỗ trợ cán bộ học tập nâng cao trình độ; đổi mới cách thức bồi dưỡng chính trị; quan tâm thực hiện chính sách đào tạo cử tuyển, theo địa chỉ. Tại Huyện ủy Chợ Đồn, đồng chí Hoàng Văn Lăng (SN 1984) đã có “thâm niên” 5 năm giữ chức vụ Chánh Văn phòng. Đồng chí Lăng cho biết, là người dân tộc Tày, được sự quan tâm của tỉnh, anh được đi học cử tuyển tại Trường đại học Thủy lợi. Tốt nghiệp, được nhận vào công tác tại địa phương, tiếp tục được bồi dưỡng, rèn luyện, kết nạp Đảng, cử đi học lớp cao cấp lý luận chính trị. Với trình độ chuyên môn, chính trị đã được đào tạo, cùng với việc am hiểu địa phương, đồng chí Lăng đã phát huy tốt năng lực, được tin tưởng giao giữ chức vụ Chánh Văn phòng Huyện ủy, là nguồn cán bộ DTTS chủ chốt của Chợ Đồn.

Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn đào tạo khoảng 160 cán bộ cơ sở; mở nhiều lớp trung cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung. Chất lượng đào tạo được nâng cao nhờ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên được đào tạo đáp ứng theo yêu cầu, cơ sở vật chất đã được trang bị đầy đủ hơn. Số học viên tốt nghiệp loại giỏi ngày càng tăng, không có học viên xếp loại trung bình. Từ năm 2010 đến 2019, tỷ lệ học viên giỏi khoảng 20%.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Minh Đức cho biết, trường thường xuyên cập nhật, bổ sung nội dung chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn địa phương vào bài giảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới; lược bỏ những phần kiến thức trùng lặp. Chương trình học giảm xuống còn 644 tiết lý thuyết và tăng số giờ thảo luận, phát huy tính tích cực của người học. Hiện, 100% giảng viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực, kết hợp sử dụng các phương tiện hiện đại, phát huy tính chủ động tham gia trao đổi của học viên. Nhà trường chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.

Từ năm 2016 tới nay, Bắc Kạn cử 3.531 cán bộ, công chức đi học cao cấp lý luận chính trị, đại học chính trị hệ tập trung; bồi dưỡng bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về công tác dân vận, tổ chức; 3.132 đồng chí bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh... Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho 399 cán bộ; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng đảng về tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận, văn phòng cấp ủy, cập nhật kiến thức và kiểm tra sát hạch cán bộ trong quy hoạch cho 868 cán bộ. Tỉnh lựa chọn 112 học sinh, người địa phương cử đi đào tạo bác sĩ theo địa chỉ; hỗ trợ kinh phí đào tạo 28 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa và 18 kíp kỹ thuật cơ bản. Trong năm 2019, tỉnh mở 25 lớp bồi dưỡng cho 2.396 cán bộ, công chức cấp xã. Đến nay, 100% cán bộ cấp xã của tỉnh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ; tỷ lệ công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 100%; số cán bộ xã có trình độ trung cấp lý luận trở lên đạt 90,3%; số công chức xã có trình độ trung cấp lý luận trở lên đạt 51%.

Sử dụng linh hoạt

Đến nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của Bắc Kạn là 11.058 người, chiếm tỷ lệ 72,2%, trong đó, có 295 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương. Tỷ lệ cán bộ là người DTTS tham gia cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương đạt hơn 70%. Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 2.960 người, trong đó có 2.580 người DTTS.

Giữ vững quan điểm cán bộ là gốc, Bắc Kạn bố trí cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp thực tiễn từng địa phương. Tại xã Cao Sơn (Bạch Thông), chị Đặng Thị Hằng, dân tộc Dao, Phó Chủ tịch UBND xã luôn được chính quyền tin tưởng, nhân dân yêu mến. Khi còn là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Trưởng thôn Lủng Lỳ, chị Hằng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Thôn Lủng Lỳ từ chỗ có 70% hộ nghèo nay chỉ còn khoảng 30%. Ngoài ra, chị luôn khuyến khích hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, phổ biến kịp thời các chương trình vay vốn lãi suất thấp để nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vay… Với thành tích đó, chị Hằng được cử đi dự lễ biểu dương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức; được HĐND xã tin tưởng bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã.

Tăng cường sử dụng cán bộ trẻ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý đối với vùng đồng bào DTTS được Bắc Kạn chú trọng triển khai. Theo Đề án 600 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã, anh Hoàng Văn Dũng được bố trí giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Bành Trạch (huyện Ba Bể). Qua thực tiễn, anh đã trưởng thành, có nhiều sáng kiến hiệu quả, được Đảng bộ xã, chính quyền và nhân dân tin tưởng. Do vậy, khi hết thời gian thực hiện theo Đề án 600, được đánh giá năng lực tốt, anh được lựa chọn sát hạch từ công chức xã lên công chức huyện, điều động giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND huyện. Đến năm 2019, anh được tỉnh cử đi học lớp cao cấp lý luận chính trị, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Sử dụng cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện gắn với thực hiện bí thư cấp ủy không là người địa phương, phù hợp từng vùng đồng bào DTTS là cách mà Bắc Kạn đang triển khai linh hoạt. Trong đó, luân chuyển cán bộ là giải pháp chủ chốt, vừa ổn định, thúc đẩy phát triển tại địa phương, vừa đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành. Ðến nay, Bắc Kạn đã luân chuyển 37 cán bộ từ tỉnh xuống huyện; 40 cán bộ từ huyện xuống xã; 34 cán bộ từ xã sang xã. Sau khi luân chuyển trở lại, phần lớn các đồng chí đều được bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Các huyện và 13 đơn vị cấp xã của Bắc Kạn có bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND không là người địa phương.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thị Thu Phương cho biết, khó khăn hiện tại là đối tượng đồng bào DTTS xét đi học cử tuyển đã thu hẹp lại. Mặt khác, việc thi tuyển công chức không có cơ chế đặc thù cho nên con em đồng bào DTTS khó thi đỗ, dẫn tới ở cơ sở thiếu cán bộ am hiểu phong tục, tập quán, biết tiếng dân tộc. Người thi đỗ được năng lực thì có thể lại không hiểu, không biết những vấn đề này dẫn tới thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu. Do vậy, đối với Bắc Kạn nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung rất cần có một cơ chế đặc thù trong tuyển dụng cán bộ là người DTTS như H’Mông, Dao, Sán Chay… để có được cán bộ tốt, phù hợp, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi