Tuyên truyền bằng tiếng dân tộc dưới nhiều hình thức như: báo in, phát thanh, truyền hình; phát thanh trên loa truyền thanh; tuyên truyền bằng xe lưu động; phát tờ rơi; băng zôn, pa nô, áp phích… là cách làm hay trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về dịch Covid-19 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi thời gian qua.
|
Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang
|
Gần hai tháng nay, bà Hồ Thị Hồng, 67 tuổi, ở Tổ dân phố số 4, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã quen với tiếng loa truyền thanh vang lên mỗi ngày. Tiếng loa bắt đầu bằng lời chào: “Bhalhay Xađhay Chamăng sala Covid-19 đha đay Phước Sơn”- (dịch ra tiếng Bhnong (một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng) có nghĩa là: mời đồng bào và các bạn cùng nghe bản tin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Trung tâm Văn hóa – Truyền thanh truyền hình huyện Phước Sơn).
Là người Bhnong tuổi đã cao, nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của bà Hồng hơi khó khăn. “Tôi xem trên ti vi về tình hình dịch Covid-19, tôi hiểu được chút ít về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này và cách phòng dịch. Bây giờ hằng ngày nghe loa truyền thanh dùng ngôn ngữ Bhnong để chuyển tải những nội dung liên quan đến dịch Covid-19, cách vệ sinh phòng tránh dịch bệnh, cũng như việc hạn chế tụ tập nơi đông người… tôi đã hiểu và động viên con cháu phải tự phòng bệnh ở nhà, không quá lo lắng, hoang mang”, bà Hồng chia sẻ.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, thì công tác tuyên truyền được huyện Phước Sơn đặc biệt quan tâm. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Kỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Truyền thanh truyền hình huyện Phước Sơn, ngoài bản tin tiếng Việt hằng ngày, huyện đã tăng cường phát thêm tiếng Bh’nong với thời lượng 7 phút/một bản tin và phát liên tục bảy ngày trong tuần. Thông qua các bản tin, biên dịch viên tiếng Bhnong đã chuyển tải những nội dung ngắn gọn, gần gũi và phù hợp với trình độ nhận thức của bà con về dịch bệnh.
Ở nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi khác trên địa bàn cả nước, việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc luôn được quan tâm, chú trọng. Tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, người dân rất quen thuộc với hình ảnh chiếc xe lưu động len lỏi vào từng đường làng, ngõ xóm, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid -19 bằng tiếng dân tộc Tày, Dao, Mông. Ngoài tuyên truyền lưu động, các công văn, chỉ thị từ Trung ương đến địa phương cũng đã được dịch sang tiếng dân tộc để thu âm và phát sóng trên loa truyền thanh tại các xã, thị trấn. Không những thế, nhiều xã, các cán bộ và lực lượng thanh niên xung kích còn đến từng nhà phát tờ rơi, hướng dẫn bà con cách phòng dịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Dưng, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình cho biết: Là địa phương có trên 95% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, nên ngoài tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng phổ thông, huyện rất quan tâm tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Bằng cách này đã giúp đồng bào DTTS nắm bắt đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa có công dân nào nhiễm dịch.
Bên cạnh tuyên truyền lưu động, phát thanh qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi…thì các cơ quan thông tấn, báo chí cũng tăng cường tuyên truyền về dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, 19 báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg, Ban Phát thanh tiếng dân tộc (VOV4) của Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5) của Đài Truyền hình Việt Nam, thời gian gần đây đã đưa tin, phát sóng hàng nghìn tin, bài, phóng sự (trong đó có phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc) tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.
Là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã và đang quyết liệt trong việc chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi ngành quản lý trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tổ chức truyền thông về phòng, chống dịch bệnh bằng tiếng dân tộc dưới nhiều hình thức.
Có thể thấy, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc đã đạt hiệu quả nhân đôi. Đồng bào không chỉ nắm bắt kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch, không hoang mang, chủ quan trong phòng, chống dịch, mà còn là dịp để cán bộ, người dân trau dồi, giữ gìn tiếng dân tộc. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong việc đẩy lùi dịch bệnh.
(baodantoc.vn)