Để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức phòng dịch Covid-19, chính quyền tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân.
|
Thầy cô giáo Trường Tiểu học Ka Pa Kơ Lơng, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy
tuyên truyền phòng dịch Covid-19 ở thôn làng
|
Việc sử dụng ngôn ngữ các dân tộc bản địa trong tuyên truyền phòng dịch Covid-19 được chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum ưu tiên thực hiện.
Hiện tại hàng ngày, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh dịch nội dung tuyên truyền phòng dịch Covid-19 từ tiếng phổ thông sang bốn thứ tiếng dân tộc có số lượng người nhiều nhất là Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng và Gia Rai để phát trên hệ thống loa truyền thanh đến từng thôn, làng.
Cùng với đó chính quyền 10 huyện, thành phố của tỉnh cũng sử dụng các tuyên truyền viên công tác trong ngành Văn hóa, Giáo dục, thôn trưởng, già làng uy tín thành thạo ngôn ngữ dân tộc bản địa đến từng làng, vào từng nhà tuyên truyền về tác hại của dịch Covid-19; trực tiếp hướng dẫn bà con biện pháp phòng dịch thông qua hình ảnh trực quan sinh động, bằng cách đeo khẩu trang, sử dụng xà phòng, nước sát khuẩn rửa tay, vệ sinh nơi ở sạch sẽ...
|
Phát tờ rơi tuyên truyền phòng dịch Covid-19 đến từng hộ gia đình dân tộc thiểu số
|
Là địa phương có có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiếu số chiếm tới trên 95% dân số với chủ yếu là người Xơ Đăng, đồng chí A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, nhờ kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền nên nhận thức của người dân về dịch bệnh Covid-19 được nâng lên, thuận lợi cho việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch.
“Khi có Chỉ thị 16 và chỉ đạo của tỉnh thì Huyện ủy, UBND huyện tuyên truyền bằng văn bản. Giao cho xã lấy thôn trưởng, Hội phụ nữ, Đoàn thể tuyên truyền thực hiện phòng chống dịch. Vừa tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, vừa tuyên truyền bằng tiếng người Xơ Đăng tại chỗ. Nói chung người dân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa đã hưởng ứng tinh thần này. Dân cũng có ý thức, ra đường cũng đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập chấp hành theo chỉ đạo chung phòng chống dịch”, đồng chí A Hơn cho biết thêm./.
(vov.vn)