Thứ Bảy, 23/11/2024
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Yên Bình: Đổi thay nhờ “135”

 Cán bộ y tế xã Phúc An kiểm tra số thuốc thiết yếu của Trạm Y tế xã
 

Thời gian qua, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Chương trình 135, trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng, các hộ gia đình nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất để nông dân có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chăm lo an sinh xã hội, nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)... 

Hầu hết đồng bào các xã ĐBKK được hưởng lợi từ nguồn đầu tư của Nhà nước đã có thay đổi nhận thức về trách nhiệm đóng góp công sức vào xây dựng và quản lý, khai thác các công trình đạt hiệu quả cao hơn. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Yên Bình ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS đang thay đổi từng ngày. 

Trong 5 năm gần đây, các xã ĐBKK trên địa bàn huyện Yên Bình đã đầu tư xây dựng 38,7 km đường giao thông, 3 cầu qua đường, 10 nhà văn hóa, 4 công trình trường học..., tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn ĐBKK bình quân giảm 3,5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo giai đoạn 2019 - 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm; trên 40% số xã, thôn ĐBKK đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên đến nay đạt trên 30%, tập trung ở đối tượng thanh niên và đào tạo các nghề phi nông nghiệp; từ 50% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế… 

Được quan tâm với các chính sách, đãi ngộ tốt, đồng bào các DTTS Yên Bình phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần đoàn kết với cộng đồng, cùng chung tay, ra sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Có được hiệu quả trong thực hiện Chương trình 135 là do Yên Bình đã thực hiện nghiêm các nguyên tắc như: về phân bổ vốn; dân chủ công khai và sự tham gia của cộng đồng; xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập; quản lý, khai thác công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng... 

Với nguyên tắc xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập, trong những năm qua, UBND huyện đã quán triệt với các đơn vị thi công khi thi công công trình tại địa phương những công việc có tính chất đơn giản như: đào đắp đất, trộn, đổ bê tông hay khuân vác vật tư, vật liệu các đơn vị thi công đều thuê nhân công tại địa phương, không đưa nhân công từ nơi khác đến. 

Đến nay, các xã đều có nhóm thợ nề, thợ mộc tại xã, nên việc thi công các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi cũng như công trình khác nhân dân địa phương có thể đảm nhiệm được, các đơn vị thi công thực hiện đúng chỉ đạo của huyện. 

Cùng với đó, các xã, các thôn đều thành lập ban quản lý giám sát cấp xã, giám sát cộng đồng thôn và xây dựng kế hoạch giám sát cho từng công trình, từng nội dung hỗ trợ đạt yêu cầu. Về cơ chế quản lý, khai thác công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, sau khi công trình được cấp có thẩm quyền quyết định công trình đủ điều kiện nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, huyện giao cho các xã trực tiếp nhận và duy tu bảo dưỡng theo đúng trình tự xây dựng cơ bản, các xã giao cho các thôn có công trình trực tiếp quản lý, vì vậy, các công trình đã phát huy được hiệu quả sử dụng, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. 

Đồng chí Hồ Thị Thu - Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Bình cho biết: "Từ những hoạt động cung cấp thông tin mọi người dân vùng ĐBKK của huyện hiểu rõ về từng chính sách đầu tư hỗ trợ từ khâu lựa chọn đối tượng định mức, địa bàn và nội dung hỗ trợ, chính vì vậy mà trong những năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ được nhân dân đồng tình ủng hộ, không có thắc mắc kiến nghị, chương trình đạt hiệu quả cao”.

Qua 3 giai đoạn thực hiện Chương trình 135, trình độ cán bộ cũng như người dân thuộc các xã ĐBKK được nâng lên, tăng khả năng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Các địa phương trên địa bàn Yên Bình đã rút ra được kinh nghiệm, để thực hiện Chương trình có hiệu quả phải tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch cần phải sát thực tế, xây dựng các công trình phải phù hợp với nguyện vọng, phong tục tập quán tốt đẹp của đông đảo quần chúng nhân dân, quá trình thực hiện phải tôn trọng nguyên tắc công khai, dân chủ…/.

(baoyenbai.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi