Thứ Năm, 9/1/2025
Giúp đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, các cấp chính quyền vùng đồng bào Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Từ đó, giúp bà con Khmer phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều địa phương làm tốt chương trình này như Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang…. Tỉnh Sóc Trăng có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer và có 29 xã, 158 ấp nằm trong danh sách Chương trình 135, đến nay nhiều xã của Sóc Trăng đã được công nhận xã nông thôn mới. Điển hình là xã An Hiệp, huyện Châu Thành, nơi có trên 65% dân số là đồng bào Khmer.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã An Hiệp, xã đã tập trung hỗ trợ các hộ Khmer nghèo phát triển kinh tế. Đảng ủy xã còn chỉ đạo, mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện giám sát, hướng dẫn bà con Khmer nghèo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, chọn mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế để có thu nhập ổn định. Song song đó, An Hiệp tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là một trong 7 xã ở miền Tây Nam bộ nằm trong danh sách hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nhờ có sự chung tay của các cấp, ngành và địa phương, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 46,63 triệu đồng/người/năm và xã Đại An cũng đã đạt các tiêu chí về nông thôn mới, đồng thời được công nhận hoàn thành Chương trình 135.


 Làm đường giao thông nông thôn ở khu vực vùng sâu ĐBSCL

Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer đứng thứ 3 ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh và có hơn 56km biên giới bộ giáp với Campuchia. Từ năm 2014 đến nay, địa phương này đã tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Theo ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, các chương trình quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 và các chương trình dự án khác đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông, trạm y tế, trường học…

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung nguồn lực để thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của Kiên Giang giảm bình quân 3%/năm. Đến nay, Kiên Giang đã có 40/70 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Không chỉ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long còn tập trung lo sinh kế, lo an cư cho đồng bào. Tất cả nhằm giúp đồng bào dân tộc Khmer vượt khó, thoát nghèo bền vững, cùng cộng đồng các dân tộc khác đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo Ban Dân tộc các địa phương ở khu vực này, giải pháp xóa đói giảm nghèo được các địa phương đẩy mạnh thực hiện một cách đa dạng. Nhờ đó, ý thức tự lực vươn lên của đồng bào Khmer nghèo đã có bước chuyển biến tích cực. Nhiều hộ nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất cũ kém hiệu quả, từng bước khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Sóc Trăng và Trà Vinh là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, hai tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp đồng bào an cư. Theo đó, với nguồn vốn Trung ương, địa phương… trên 1.675 tỷ đồng, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ vùng đồng bào Khmer xây dựng 219 giếng khoan; nâng cấp mở rộng 25 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 4.054 hộ nghèo, 7.846 hộ có công.

Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng thực hiện hỗ trợ đất ở, vay vốn chuộc lại đất sản xuất và hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất… cho đồng bào dân tộc đúng theo quy đinh. Ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho rằng, thông qua thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đã cơ bản giải quyết tình trạng nhà tạm, nhà dột nát của đồng bào dân tộc. Từ đó, tạo điều kiện giúp các hộ thiếu đất sản xuất đầu tư chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế hộ gia đình một cách bền vững.

Có thể thấy, tại các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, đều dành nguồn lực lớn đầu tư cho nông thôn. Cùng với đó là hàng trăm chính sách, văn bản liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực này đang được triển khai thực hiện với mục tiêu chủ yếu là phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo…

Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, những bài học thành công và chưa thành công, nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đề xuất Trung ương nghiên cứu tích hợp tất cả các chương trình, chính sách lĩnh vực công tác dân tộc thành chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện.

Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối các đô thị trong vực, gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng mức hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật đối với vùng dân tộc thiểu số. Trước hết, là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến giao thông huyết mạch của vùng, liên vùng.

Quy hoạch bố trí lại dân cư ở những vùng đặc biệt khó khăn để thuận lợi cho việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đến tận các khu dân cư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương. Đặc biệt là phục vụ cho sự phát triển kinh tế hàng hóa trên địa bàn từng xã vùng dân tộc trong những năm tiếp theo./.

(dangcongsan.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất