Thứ Tư, 8/1/2025
Điểm tựa của bản làng

 Già làng Cao Hải Đăng (bên trái) tại mô hình kinh tế của mình

“Ngọn hải đăng”

Ở cái tuổi xưa nay hiếm khi đã chạm ngưỡng 80, cụ Cao Hải Đăng vẫn khiến cho nhiều người ngạc nhiên bởi sự minh mẫn, nhanh nhẹn và tráng kiện của mình.

Theo lời giới thiệu của ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Quỳ Hợp, cụ Đăng chính là niềm tự hào của bà con xóm Tàu, xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) bởi sự nhiệt tình, xốc vác những phong trào, hoạt động của xóm làng, là ngọn hải đăng dẫn đường cho thế hệ trẻ trong vùng noi theo.

Đã từng có gần 10 năm là lính bộ binh tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào và Quảng Trị, năm 1967 ông Cao Hải Đăng xuất ngũ trở về địa phương. Thời điểm đó, ông được bà con tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của xóm và Ủy viên phụ trách nông nghiệp xã. Là người phụ trách mảng nông nghiệp nên khi chứng kiến đời sống của gia đình mình cũng như bà con trong xóm vẫn sống lệ thuộc vào diện tích trồng rẫy ít ỏi và khai thác những lâm sản phụ của rừng trong khi địa phương được thiên nhiên ưu đãi cho chất đất bazan phì nhiêu, ông Đăng không khỏi tiếc nuối.

Do vậy,ngay khi Nhà nước có chính sách khuyến khích khai hoang làm kinh tế mới, ông đã tiên phong đi đầu khai hoang gần 5ha diện tích đất tạp trên Đồi Cau để phát triển trang trại trồng keo. Thấy cây phát triển tốt, lại cho thu nhập cao hơn làm rẫy, ông vận động các thành viên trong Hội Cựu chiến binh cùng huy động con cháu tham gia nhân rộng các mô hình trồng keo tập trung hàng hóa. Nhờ vậy, thời điểm đó, hàng chục đất đồi đã được “đánh thức” để hình thành vùng nguyên liệu, tạo một phần sinh kế ổn định cho bà con. 

Khoảng thời gian sau này, khi nhà máy đường trên địa bàn phát triển vùng nguyên liệu, ông Cao Hải Đăng cũng là người tiên phong vận động bà con nên đồng lòng thực hiện chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung mà xã đã đề ra. Rồi ông tự nguyện nhận giống mía, chuyển đổi diện tích 2ha trồng keo chưa hiệu quả để chuyển qua ký kết hợp đồng với nhà máy đường. Sau thành công của người tiên phong, phong trào trồng mía nguyên liệu của xóm ngày càng sôi nổi. Những diện tích đồng Vũng Cối, Vũng Hầm của xã Nghĩa Xuân nay đã là những “vựa mía” lớn với tổng diện tích hơn 80ha, mang lại thu nhập ổn định cho bà con từng bước gây dựng cuộc sống.  

“Còn nhiều lắm những mô hình mà cụ Đăng đi đầu phát triển như trồng cam, nuôi dê, nuôi bò nhốt… Mô hình nào ông cũng gặt hái được thành công và sẵn sàng hướng dẫn, chỉ bảo lại cho bà con trong xóm, đặc biệt là lực lượng thanh niên trẻ.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chính cụ Đăng cũng là người lăn lộn cùng với đội ngũ cán bộ xóm để vận động bà con hiến đất, hiến ngày công làm đường giao thông nông thôn. Dù tuổi cao, nhưng không ngày nào ông vắng mặt, thậm chí ông còn bỏ tiền túi để ủng hộ sỏi và thuê máy về ủi gần 200m đất gồ ghề ở đoạn đường trung tâm của xóm. Từ sự khích lệ ý nghĩa đó, công cuộc làm đường của xóm cũng đã trở nên sôi nổi hơn.

Chỉ sau một thời gian ngắn, hơn 3km đường nội thôn đã được bà con bê tông hóa hoàn toàn với cơ đường đạt chuẩn. Nhờ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm đến từ 80 ha cam, 80 ha trồng mía và hàng trăm ha keo của người dân nay đã vô cùng thuận lợi”-ông Cao Trương Phương, Bí thư Chi bộ xóm Tàu chia sẻ. 

Ông Phương cũng không quên giới thiệu một người còn khá trẻ ngồi cạnh mình là Cao Văn Khánh (36 tuổi)- xóm trưởng xóm Tàu. Anh Khánh là đảng viên trẻ được kết nạp trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, sau khi trở về địa phương, anh được ông Đăng vận động tham gia Hội Cựu chiến binh của xóm và bồi dưỡng để anh trở thành hạt nhân trong những phong trào của hội. Dưới sự dẫn dắt tận tình của cụ Đăng, anh không chỉ hoàn thành những nhiệm vụ được Hội giao phó, mà còn truyền lửa để tạo nguồn cho 4 quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng. Từ đó, anh Khánh được bà con tin tưởng bầu làm xóm trưởng với kỳ vọng sẽ tiếp bước cụ Đăng để tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng thanh niên trẻ trên địa bàn.


 Hơn 3 km đường nội thôn của xóm Tàu đã được bê tông hóa

Sức mạnh của những già làng uy tín

Ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện Quỳ Hợp có gần 54% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số gồm bà con người Thái và người Thổ cư trú trên 14 xã khó khăn. Cùng với cụ Cao Hải Đăng, địa phương còn có 4 già làng uy tín cấp tỉnh và 194 già làng uy tín cấp huyện.

Trong 194 già làng cấp huyện có 17 người đảm nhận vai trò xóm trưởng, 9 điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, 35 người đã từng đảm nhận các vị trí công tác cấp xã, huyện và 4 thầy mo. Bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, đội ngũ này đã phát huy vai trò, đóng góp công sức không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số nói riêng, trong sự nghiệp phát triển của toàn huyện nói chung.

Đặc biệt là, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Già làng, người có uy tín làm nhiều việc tốt gắn với nội dung chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020” đã được người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương hưởng ứng nhiệt tình.

Tiêu biểu như ông Sầm Văn Bình (bản Muộng, xã Châu Quang) đã có công trình nghiên cứu về chứThái laiTay; ông Vi VănThực (xóm Đồng Tiến, xã Châu Cường), ông Lê Duy Khẩn (xóm Xiềm, xã Hạ Sơn) đã tuyên truyền vận động nhân dân làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự; ông Lương Văn Thám (xóm Đồng Chiềng, xã Đồng Hợp) làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy; ông Phạm Quang Hưng (xóm Tân Tiến, xã Tam Hợp) đã chữa bệnh miễn phí cho người nghèo cũng như tuyên truyền vận động bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Nhờ đó, đến nay Quỳ Hợp đã có 79% làng, bản có đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu văn hóa và hơn 86% gia đình dân tộc thiểu số đạt danh hiệu gia đình văn hóa với hàng trăm mô hình kinh tế hiệu quả./.

(daidoanket.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất