|
Người dân Đắk Lắk nhận gạo tại cây “ATM gạo nghĩa tình”
|
Chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 13/4, “ATM gạo nghĩa tình” ở Đắk Lắk nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền, các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm xa gần và nhân dân trên địa bàn.
Từ một trạm "ATM gạo nghĩa tình" đầu tiên ở đường sách càphê (thành phố Buôn Ma Thuột), hiện nay, Ban Tổ chức đã xây dựng được thêm 10 "ATM gạo nghĩa tình" khác để đưa gạo đến tận tay người nghèo, người yếu thế vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vào tận buôn đồng bào dân tộc.
Với phương châm “ai cần thì lấy - ai có thì góp - ai biết thì cùng làm,” từ 13-19/4, hoạt động của "ATM gạo nghĩa tình" ở đường sách càphê đã hỗ trợ được hơn 6.000 lượt người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với trên 20 tấn gạo và hàng nghìn nhu yếu phẩm được phát.
Để lan tỏa hành động đẹp, đưa gạo về với vùng sâu, vùng xa và giảm tải cho ATM gạo tại đường sách càphê, hiện nay, các huyện, thị xã của tỉnh Đắk Lắk như Krông Pắk, Ea H’Leo, M’Đrắk, Buôn Hồ, Krông Púk, Cư M’Gar, Ea Súp, Krông Bông và hai huyện của tỉnh Đắk Nông là Cư Jút, Krông Nô đã có trạm "ATM gạo nghĩa tình."
Một số địa phương không phát gạo cố định một chỗ mà phát luân phiên tới các thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
Ghi nhận tại trạm "ATM gạo nghĩa tình" huyện Cư M’Gar vào ngày 21/4, điểm phát gạo diễn ra tại buôn Sang, xã Ea H’Đin, hơn 500 người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn hai xã Ea H’Đing và Ea Tar đã tới nhận gạo.
Để tránh tụ tập đông người, Ban Tổ chức "ATM gạo nghĩa tình" đã phối hợp với chính quyền hai xã phát phiếu nhận gạo cho người nghèo các thôn, buôn, trong đó bố trí khoảng thời gian nhận gạo cố định cho người nghèo mỗi buôn.
Tại điểm phát gạo, Ban Tổ chức đã bố trí tình nguyện viên hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và duy trì khoảng cách 2m với những người đến nhận gạo.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea H’Đing Trần Minh Đạo cho biết, xã có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. Thời gian qua, nhân dân trên địa bàn xã cùng chính quyền địa phương đã đồng sức đồng lòng dựng xây quê hương, đặc biệt là chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
Việc "ATM gạo nghĩa tình" có mặt trên địa bàn xã, đưa vào tận buôn đồng bào dân tộc thiểu số để phát là việc làm hữu ích, tạo động lực để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ban Tổ chức "ATM gạo nghĩa tình" đã mang gạo đến tận nhà để phát.
Bà H’Bi Mlô, buôn Sang, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’Gar năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn phải gồng gánh kiếm tiền để nuôi người con trai hơn 30 tuổi bị khiếm thị bẩm sinh. Ban Tổ chức "ATM gạo nghĩa tình" tới tận nhà trao 10kg gạo, nước mắm và dầu ăn.
Bà H’Bi Mlô xúc động, cảm ơn Ban Tổ chức và các cấp chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ gia đình, giúp bà có thêm nhiều động lực vượt qua giai đoạn khó khăn để chăm lo cho con trai.
Cách nhà bà H’Bi Mlô không xa, già Y Drơng Niê, cựu chiến binh với hơn 50 năm tuổi Đảng, được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, do chân bị thương tật, đi lại khó khăn. Ban Tổ chức đã tới tận nhà phát gạo cho già. Xúc động khi được nhận gạo nghĩa tình, già Y Drơng Niê cảm ơn Đảng, Nhà Nước cùng các cấp chính quyền, đơn vị tổ chức đã luôn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ đối tượng người có công.
Tại huyện biên giới Ea Súp, ngày 22/4 - ngày đầu hoạt động của trạm "ATM gạo nghĩa tình," khoảng 1.000 lượt người dân đã tới 72 Hùng Vương, thị trấn Ea Súp để nhận gạo. Mỗi người dân nhận được 4kg gạo và nhu yếu phẩm gồm mì tôm, muối, nước mắm, dầu ăn. Tại đây, Ban Tổ chức đã tiến hành phát khẩu trang y tế, đo thân nhiệt và hướng dẫn người dân rửa tay sát khuẩn trước khi vào nhận gạo. Dự kiến, trạm "ATM gạo nghĩa tình" tại huyện Ea Súp diễn ra từ ngày 22-23/4, sau đó sẽ chuyển về phát ở bốn xã gồm Ia Lốp, Ia R’Vê, Cư Kbang, Ia Jlơi.
Bà Nông Thị Yến, tổ dân phố 4, thị trấn Ea Súp chia sẻ, công việc của bà chủ yếu là thu mua ve chai. Những ngày này do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập bấp bênh, làm thuê không ai nhận nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Biết ở thành phố Buôn Ma Thuột có "ATM gạo nghĩa tình" nhưng do ở khu vực xa nên bà nghĩ mình không có cơ hội được nhận gạo. Nay gạo đưa về tận Ea Súp, bà được nhận và cảm thấy ấm lòng khi những người dân nghèo ở huyện xa xôi có cơ hội được nhận gạo từ "ATM gạo nghĩa tình."
Dự án "ATM gạo nghĩa tình" tỉnh Đắk Lắk do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Quản lý đường sách càphê Buôn Ma Thuột và một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức. Trong vòng 10 ngày, Ban Tổ chức đã huy động được 120 tấn gạo cùng hàng ngàn nhu yếu phẩm như trứng, rau, mỳ tôm, xì dầu… để phát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý đường sách càphê Buôn Ma Thuột, thành viên Ban Tổ chức chương trình cho biết, dự án "ATM gạo nghĩa tình" lan tỏa nhanh và hoạt động hiệu quả nhờ sự nhiệt huyết của các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên các địa phương và sự chung tay đóng góp của các nhà hảo tâm.
Nhiều huyện đang có các mô hình di động về tận buôn nghèo, bản xa để phát và nhận được hiệu ứng tích cực của các cấp chính quyền, nhân dân trên địa bàn như Ea H’Leo, Krông Pắk, M’Đrắk, Krông Búk.
Có thể nói, mô hình “ATM gạo nghĩa tình” tại Đắk Lắk thực sự là câu chuyện truyền cảm hứng, kết nối các tấm lòng thiện nguyện với nhau và đưa gạo tới tận tay người cần gạo.
Việc nhân rộng các trạm "ATM gạo nghĩa tình" đã thiết thực giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn phần nào ổn định cuộc sống trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và trong bối cảnh nông sản trên địa bàn như tiêu, càphê… bị tụt giá.
Đó còn là câu chuyện về tình người san sẻ với nhau trong lúc khó khăn, về tinh thần “lá lành đùm lá rách," là truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam, đang được dựng xây và lan tỏa nhờ mô hình “ATM gạo nghĩa tình.”./.
(TTXVN)