Nét nổi bật trong thực hiện “Dân vận khéo” để thực hiện tốt công tác dân tộc nơi vùng biên mà Đồn Biên phòng (ĐBP) Pa Ủ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu đã và đang thực hiện là vận động đồng bào các dân tộc sống rải rác trên các khe núi về lập thành bản mới; hướng dẫn đồng bào khai hoang đất để chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh, định canh, định cư nơi biên giới, tạo thành những cột mốc sống cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.
|
BĐBP hướng dẫn người dân bản Hà Xi, xã Pa Ủ trồng lúa nước |
Đồng chí Ly Phí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, cho biết: Việc phối hợp với ĐBP trong công tác dân vận, thực hiện công tác dân tộc là tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên, mốc giới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của địa phương.
“Trong vấn đề bảo vệ đường biên, mốc giới, cấp ủy chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với ĐBP, mỗi tháng hai lần cử dân quân tự vệ và người dân phối hợp với ĐBP Pa Ủ tiến hành tuần tra biên giới, bảo đảm an ninh quốc gia và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn xã”, ông Giá cho biết.
Ngoài ra, để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ĐBP Pa Ủ còn giúp đỡ người dân triển khai mô hình nuôi bò tập trung; hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước 2 vụ/năm; chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như thảo quả, sa nhân tím… Nhờ đó, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, ấm no hơn trước.
Anh Phản Mô Chờ, bản Mô Chi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè chia sẻ: Thời gian qua, cán bộ ĐBP Pa Ủ giúp đỡ bà con trong bản rất nhiều, lúc đầu thì làm nhà cho dân ở, tuyên truyền cho bà con tuân thủ nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước, sau thì hướng dẫn cho dân cách trồng sa nhân, trồng lúa nước, chăn nuôi bò…
Theo Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên phó ĐBP Pa Ủ, năm 2016, khi ĐBP Pa Ủ cùng các cấp, các ngành huyện Mường Tè và xã Pa Ủ triển khai mô hình nuôi bò tập trung ở hai bản Mô Chi và Tân Biên, Đồn đã không giao con giống cho bà con tự chăm sóc mà cử cán bộ trực tiếp xuống cùng bà con chăn thả, chăm sóc tập trung, như vậy bảo đảm tỷ lệ con giống sinh trưởng, phát triển tốt.
Từ đàn bò ban đầu giao nhận là 40 con, ĐBP giao cho 40 hộ, sau hơn 3 năm, đến nay đàn bò đã phát triển lên hơn 60 con. Dự kiến đến năm 2020, đàn bò sẽ nhân đôi về số lượng, khi ấy ĐBP sẽ bàn giao cho các hộ gia đình tự chăm sóc.
“Đây chính là mô hình giúp dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, qua đó, góp phần gắn kết tình quân dân, xây dựng khối đoàn kết, tạo nên phên dậu vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc”, Thiếu tá Trần Hà Nam cho biết thêm.
Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Nhân dân tích cực lao động, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Khôi phục, duy trì và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu; giữ gìn an ninh, trật tự bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(baodantoc.vn)