Thứ Sáu, 13/9/2024
Cao Bằng: Hiệu quả Chương trình 135 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Trường THCS thị trấn Nguyên Bình được đầu tư xây dựng

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số theo từng lĩnh vực, có tác động rất lớn đến sự phát triển KT - XH khu vực miền núi, dân tộc, trong 5 năm qua, toàn tỉnh Cao Bằng có 185 xã, thị trấn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, chiếm 93% đơn vị cấp xã của tỉnh (bao gồm 159 xã đặc biệt khó khăn, 98 xóm thuộc 26 xã khu vực II của tỉnh). Các chính sách đầu tư được tập trung thực hiện để hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các xóm, bản đặc biệt khó khăn. Tổng số vốn huy động của Chương trình 1.294,69 tỷ đồng.

Tỉnh Cao Bằng tiến hành phân cấp quản lý chương trình theo đúng quy định, UBND các huyện quyết định đối với các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở; còn UBND xã được giao làm chủ đầu tư đối với những dự án phát triển sản xuất. Tất cả các xã đều thành lập Ban Giám sát xã, Ban Giám sát cộng đồng giám sát việc thực hiện các chính sách trên địa bàn.

Các cấp tập trung chỉ đạo  phân bổ nguồn vốn hằng năm đã được giao bảo đảm nguyên tắc tập trung, không dàn trải, ưu tiên cho địa bàn đặc biệt khó khăn; bảo đảm các hoạt động của dự án đều được hỗ trợ, đầu tư. Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư, hỗ trợ theo các nội dung của Chương trình. Trên cơ sở tổng vốn được giao, các địa phương phân bổ cho các xã, xóm theo nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ do địa phương quy định.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phương châm ''Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự làm'', ''xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập'', phát huy mạnh mẽ nội lực của người dân, khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng.


 Đường bê tông trên địa bàn xã Cần Yên (Hà Quảng) được đầu tư xây dựng

Để nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở, góp phần tăng cường trong công tác phổ biến, cung cấp thông tin giúp cho cộng đồng các xóm, bản tiếp thu những kiến thức cơ bản về Chương trình 135, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tỉnh đã mở 136 lớp, 5 đợt tham quan, học tập cho 12.547 lượt học viên. Trong đó có 7.818 lượt người là cán bộ, công chức cấp xã; 4.825 lượt người thuộc đoàn thể, cộng đồng, người có uy tín; 100% lượt học viên là người dân tộc thiểu số.

Trong thực hiện đầu tư hạ tầng cơ sở, toàn tỉnh thực hiện 789 công trình giao thông nông thôn;  27 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; 34 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ đời sống của người dân; 37 công trình trường, lớp học đạt chuẩn; 206 công trình thủy lợi nhỏ được cải tạo, xây mới; 82 công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; 1 công trình trạm y tế...

Từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu ở các xã, xóm, bản đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, công tác quản lý, khai thác công trình sau đầu tư được thực hiện theo quy định; đã duy tu, bảo dưỡng 119 công trình hạ tầng cơ sở các loại.

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 - 2019, tỉnh xây dựng 739 dự án hỗ trợ sản xuất, trong đó hỗ trợ 257.129 con gia súc, gia cầm các loại; 42.642 cây ăn quả; 38.472 kg giống lương thực; 2.933.779 kg phân bón; 7.180,6 kg thức ăn chăn nuôi; 10.633 máy móc nông nghiệp; 599 chuồng trại; 392.717 cây lâm nghiệp... với 108.262 lượt hộ tham gia. Triển khai nhân rộng 140 mô hình giảm nghèo bền vững với 4.575 lượt hộ tham gia và hưởng lợi từ các dự án...

Theo Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Nông Quốc Khôi: Chương trình 135 được thực hiện đem lại hiệu quả, hợp lòng dân, tạo được sự thay đổi căn bản về mọi mặt cho các địa phương, nhất là địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân từ 4%/năm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường.\


 Xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn (Hà Quảng) được đầu tư hệ thống điện lưới Quốc gia

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình 135 còn một số hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc chưa sâu sát; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ từ cộng đồng, chưa nhận thức đầy đủ nên khó huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân khi thực hiện các chương trình, dự án. Một số địa phương, chủ đầu tư chưa quan tâm đến hiệu quả kinh tế của đồng vốn, còn tình trạng chạy giải ngân, thanh toán khống khối lượng, thiếu cơ chế quản lý, kiểm soát...

(baocaobang.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất