Chiếm 13% dân số toàn huyện, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh gồm nhiều dân tộc anh em như: Sán Dìu, Dao, Tày, Nùng, Thái, Tà Ôi, Mông… cùng sinh sống. Thời gian qua, việc chăm lo toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS đã và đang được huyện Vân Đồn tập trung thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
|
Phụ nữ Sán Dìu xã Bình Dân, huyện Vân Đồn hát soọng cô trên đồng
|
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân tộc được huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng đó là nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nhân dân thông qua các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Gia đình chị Lưu Thị Hường, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn là một trong những hộ nghèo theo bìn xét của địa phương. Năm 2014, được sự tư vấn và tạo điều kiện của các cấp hội, đoàn thể, chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện mua 2 con bò và được tập huấn thực hiện mô hình trồng cây ăn quả. Đến nay, quy mô chăn nuôi của gia đình chị đã mở rộng lên 30 con bò, hơn 350 gốc cam với mức thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/năm. Từ hộ nghèo, gia đình chị đã trở thành hộ khá giả của xã; không chỉ vậy, chị còn thường xuyên giúp đỡ, động viên các hộ khó khăn thoát nghèo.
Hay như ở Đài Xuyên, xã đặc biệt khó khăn của Vân Đồn, nhiều năm qua, nhờ các chính sách về phát triển kinh tế, đời sống của bà con nhân dân, trong đó có các hộ đồng bào DTTS được nâng lên đáng kể. Hiện xã đang tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp và trồng trọt kết hợp chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Toàn xã có trên 260 hộ được giao rừng với tổng diện tích 819ha, giá trị cây trồng chuẩn bị cho thu hoạch lên tới gần 100 tỷ đồng; gần 50 mô hình gia trại, trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, việc nâng cao điều kiện sống thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS cũng được các cấp, ngành trong huyện quan tâm. Đặc biệt là thông qua nguồn vốn từ chương trình 135 và nông thôn mới.
Nhằm tạo sức bật cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, xác định cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất cho bà con nhân dân được cấp ủy và chính quyền xã Bình Dân đẩy mạnh trên cơ sở tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư. Từ nguồn vốn Đề án 196, chương trình nông thôn mới xã đã tập trung vào các công trình bê tông hóa đường trục thôn; xây nhà văn hóa; xây dựng tuyến đê ngăn mặn hỗ trợ sản xuất và xây mới một số tuyến kênh nội đồng trong thôn... Nhờ đó, diện mạo nông thôn của xã Bình Dân đã dần được thay đổi, đời sống người dân nâng lên rõ rệt; tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm được cứng hóa đạt trên 90%; hơn 98% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Song song với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào DTTS, huyện cũng tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống của bà con. Các mô hình về chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường được duy trì thực hiện thường xuyên như “sạch nhà, sạch đồng ruộng”, “ngày chủ nhật xanh”, “đoạn đường em chăm”, “thắp sáng đường quê”... đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về xây dựng nếp sống văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Cùng với đó, các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS được phát huy; hầu hết các DTTS trên địa bàn huyện đều bảo tồn được tiếng nói của dân tộc mình; các lễ hội như Soóng Cọ, Đại Phan... được khôi phục, duy trì. Huyện cũng đang thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại các khu dân cư phù hợp với phong tục, tập quán, đời sống của đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Sán Dìu nhằm phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp về chăm lo cho đồng bào DTTS, đến nay, tình hình KT-XH vùng dân tộc trên địa bàn huyện từng bước được ổn định và phát triển. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh được cải thiện: 100% xã có đồng bào dân tộc sinh sống có đường ô tô đến tận trung tâm xã; 100% xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; số dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, đến hết năm 2019 còn 1,43%; nếp sống văn hóa được phổ cấp, duy trì. 7/11 xã trên toàn huyện đã hoàn thành chương trình NTM; 4/5 thôn đặc biệt khó khăn đã hoàn thành chương trình 135, Đề án 196.
Trong thời gian tới, huyện Vân Đồn sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh về chăm lo cho đồng bào DTTS; đồng thời, ưu tiên nguồn lực hơn nữa để phát triển hạ tầng, kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực này../.
(baoquangninh.com.vn)