Thứ Năm, 28/11/2024
Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cát Tiên

 Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trên địa bàn huyện Cát Tiên đạt 100%

Cát Tiên (Lâm Đồng) là một trong các địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS khá cao với 21 sắc dân là đồng bào DTTS. Thống kê mới nhất cho thấy, trong tổng số 35.383 nhân khẩu học của toàn huyện thì có tới 8.013 khẩu là đồng bào DTTS. Đáng chú ý hơn, riêng người dân tộc bản địa Châu Mạ và S’Tiêng là 2.444 khẩu, chiếm 30,5% đồng bào DTTS toàn huyện. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với huyện làm sao đầu tư “phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS” từ hạ tầng cơ sở đến cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân.

Giảm 7,2% hộ nghèo hàng năm 

Để có tốc độ giảm nghèo thuộc hộ đồng bào DTTS hàng năm đạt 7,2%, vượt xa so với Nghị quyết 04 là từ 4 - 5%, dĩ nhiên huyện đã phải tập trung chỉ đạo có hiệu quả các chính sách, chương trình đầu tư trong vùng đồng bào DTTS. Các nguồn vốn ấy bao gồm: vốn hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các thôn đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới; đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi… đã góp phần giảm nghèo chung trên địa bàn huyện. Số liệu sơ bộ cho thấy, trong vòng 5 năm qua, số hộ nghèo, cận nghèo của huyện được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 114,5 tỷ đồng (các số liệu được làm tròn). Còn vốn đầu tư thực hiện lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi với tổng số tiền là 21,9 tỷ đồng và đầu tư cơ sở hạ tầng gần 80,9 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng nhà đã thực hiện 33 căn cho các hộ nghèo đồng bào DTTS. Chỉ tính riêng việc triển khai thực hiện dự án đầu tư, bố trí, sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn địa bàn Thôn 3 và Thôn 4, xã Phước Cát 2 có tổng kinh phí được duyệt hơn 44,2 tỷ đồng được huyện tập trung đầu tư vào giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Đặc biệt, hoàn thành đường giao thông đi xã Đồng Nai Thượng từ nguồn ngân sách địa phương và vốn Trái phiếu Chính phủ hơn 132,2 tỷ đồng... 

Đến đời sống xã hội

Song song đó, huyện cũng đã thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn xây dựng khác, bố trí nguồn vốn sự nghiệp của huyện để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên tinh thần đảm bảo tính đồng bộ giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi và triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS... Qua đó, thực hiện tốt công tác khuyến nông, hướng dẫn đồng bào DTTS áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng một số cây có năng suất, chất lượng. Chỉ riêng việc giao khoán bảo vệ rừng hàng năm thực hiện 9.032 ha/2.338 hộ dân với số tiền chi trả trong vùng đồng bào DTTS từ năm 2016 đến nay lên tới 23,9 tỷ đồng cho các tổ cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh công tác vận động Nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa, khôi phục làng nghề, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Có thể nói, từ các chính sách đầu tư đến việc hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS ở Cát Tiên ước tính đến năm 2020 tăng 1,7 lần so với năm 2015, tương ứng với mức tăng từ 20,4 triệu đồng/người lên 35,7 triệu đồng/người/năm. 

Theo Huyện ủy Cát Tiên, ngoài việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập  cho các hộ dân, huyện còn chú ý đến việc cải thiện đời sống vật chất, cũng như tinh thần của đồng bào DTTS. Và đến nay, qua thống kê, số thôn, buôn có điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 100%; số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%; 100% thôn, buôn có đường giao thông; trên 80% hộ đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và 100% được khám bệnh miễn phí theo quy định. Đó còn là toàn bộ số thôn, buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ huy động trẻ em người DTTS trong độ tuổi đến trường đạt 100%; hàng năm duy trì kết quả phổ cập giáo dục ở các cấp trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2… Mặt khác, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững và ổn định; kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong dân, không có xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người trên địa bàn huyện. Nhìn chung, theo đánh giá của Huyện ủy Cát Tiên, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện Cát Tiên đến năm 2020” đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; diện mạo kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào DTTS ở Cát Tiên ngày một đổi thay rõ rệt./.

(baolamdong.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất