Thứ Sáu, 26/4/2024
“Dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghĩa Lộ

 Mô hình “Dân vận khéo” vận động người dân trồng mướp đắng
cho giá trị kinh tế cao ở thôn Đêu 3, xã Nghĩa An

Thôn 5, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái có 10 hộ gia đình dân tộc Mông với hơn 50 nhân khẩu, chiếm gần 10% tổng số hộ của thôn. Trước đây, các hộ này sống du canh du cư; từ những năm 1996, 1997, bắt đầu định cư tại thôn. 

Đời sống của các hộ dân chủ yếu dựa vào canh tác lúa nương, làm đồi, chăn nuôi gia súc nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao; trình độ văn hóa, nhận thức còn hạn chế; vẫn còn tồn tại một số phong tục lạc hậu, đặc biệt còn tình trạng tảo hôn, bắt vợ, tổ chức cưới xin nhiều ngày gây tốn kém; đám ma để 2 - 3 ngày, ngày đầu còn để người chết trên tấm ván và bón cơm.

Vì vậy, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Chi bộ thôn 5 và các đoàn thể thực hiện mô hình DVK vận động đồng bào Mông xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang từ năm 2015 và duy trì nâng cao hiệu quả đến nay. Trước tiên, Hội Nông dân xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm các thủ tục pháp lý để các hộ nhập khẩu ổn định chỗ ở. 

Cùng đó, Hội Nông dân phối hợp với Chi bộ thôn và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các hội viên là đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn hóa; giao cho chi hội nông dân thôn cụ thể hóa các tiêu chí văn hóa trong đồng bào dân tộc Mông đồng thời phối hợp với Chi bộ, trưởng thôn và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và động viên các hộ cùng thực hiện. 

Nhờ đó, sau nhiều năm làm công tác tuyên truyền, vận động, đến nay các hộ dân tộc Mông nơi đây đã tổ chức đám cưới gọn nhẹ, trang trọng trên cơ sở nam, nữ tự nguyện đến với nhau xây dựng hạnh phúc gia đình; không còn tình trạng tảo hôn, đám ma được tổ chức đúng quy định, không còn hủ tục bón cơm cho người chết.

Là một nội dung khá mới mẻ nhưng mô hình DVK Câu lạc bộ "Làm cha mẹ tích cực” đã thu hút 30 thành viên là dân tộc Thái và Mường ở Bản Lụ 2, xã Phúc Sơn đi vào hoạt động từ tháng 7/2019. Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng nhằm trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy con tốt giữa các thành viên. 

Từ đó, các thành viên làm cha, làm mẹ có quan niệm và cách nhìn mới hơn về phương pháp giáo dục, dạy dỗ con cái, 100% con em của các thành viên trong Câu lạc bộ đều được đến trường, ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, vâng lời cha mẹ. Tỷ lệ các cháu đạt học sinh khá, giỏi chiếm trên 50%, không có trẻ mắc tệ nạn xã hội. 

Đây cũng chính là mô hình DVK của Hội Phụ nữ xã Phúc Sơn sẽ được Hội tổng kết và tiếp tục nhân rộng.

Vận động đồng bào phát triển kinh tế luôn là nội dung được ưu tiên trong công tác dân vận. Nhiều mô hình DVK trong lĩnh vực kinh tế đã cho những kết quả cụ thể, trong đó có thể kể đến mô hình trồng ớt xuất khẩu ở Thanh Lương. Từ vụ đông xuân 2020, 7 hộ dân tại các thôn: Bản Khinh, Đồng Lơi, Bản Lý đã tham gia trồng ớt xuất khẩu trên 0,7 ha diện tích. 

Đây là mô hình liên kết giữa xã Thanh Lương với Công ty TNHH GOV (xã Kinh Kệ, Khu Công nghiệp Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Công ty đã ký hợp đồng cam kết hỗ trợ, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân tham gia. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình cũng được tập huấn, hướng dẫn thường xuyên về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. 

Qua triển khai bước đầu mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế đối với các hộ dân tham gia mô hình. 

Nhiều mô hình DVK khác trên lĩnh vực kinh tế như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thôn Nậm Tọ xã Thạch Lương; tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ở thôn Ao Luông, xã Sơn A; mô hình vận động nhân dân chuyển từ sản xuất lúa sang trồng mướp đắng cho giá trị kinh tế cao ở thôn Đêu 1, 2, 3 xã Nghĩa An; mô hình hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp ở thôn Bản Lanh, xã Phúc Sơn... đã vận động, thu hút được sự tham gia của nhiều hộ dân là đồng bào DTTS, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho các hộ dân. 

Theo Ban Dân vận Thị ủy Nghĩa Lộ, trong những năm qua, phong trào DVK đã lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã, đặc biệt là góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp trong vùng đồng bào DTTS... 

Năm 2019, trong tổng số 319 mô hình DVK toàn thị xã thì có đến gần 50% là các mô hình nằm trong vùng đồng bào DTTS. Năm 2020 này, toàn thị xã đăng ký thực hiện mới gần 200 mô hình, tiếp tục tập trung vào vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và nâng cao đời sống văn hóa mới./.

(baoyenbai.com.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất