Thứ Sáu, 13/12/2024
Ðoàn kết đồng lòng, quyết tâm đưa công tác dân tộc lên tầm cao mới

 Đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai giao lưu văn hóa với người dân Hà Nội

Ðảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách dân tộc có ý nghĩa hết sức to lớn đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Ủy ban Dân tộc (UBDT) cũng phối hợp các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xây dựng và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Với tinh thần tập trung cao độ, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm đưa công tác dân tộc lên tầm cao mới, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, công tác dân tộc đã đạt được một số kết quả nổi bật, mang dấu ấn lịch sử.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt, đổi mới tư duy, cách làm, UBDT đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, phát huy trí tuệ tập thể đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu để huy động nguồn lực đầu tư đủ mạnh cho chính sách giảm nghèo gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN; tham mưu chương trình, chính sách có tính đột phá để phát triển toàn diện vùng DTTS&MN.

Trước hết, đó là, phối hợp tham mưu tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của BCH T.Ư khóa IX về công tác dân tộc; Bộ Chính trị có Kết luận 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; khẳng định công tác dân tộc đạt được nhiều thành tựu toàn diện; đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan cần khắc phục; yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW.

Tham mưu xây dựng chủ trương, đường lối của Ðảng về công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, góp phần xây dựng Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Tham mưu cho Chính phủ xây dựng Ðề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Ðề án, là khung pháp lý cho công tác dân tộc, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Ðây là lần đầu công tác dân tộc có Ðề án tổng thể và chương trình mục tiêu quốc gia, là giải pháp quan trọng mang tính đột phá nhằm tập trung nguồn lực phát triển toàn diện vùng DTTS&MN. Chương trình sẽ giải quyết căn bản những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, vùng DTTS&MN sẽ có cơ hội phát triển mới.

Tham mưu xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển, bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, đề xuất khung Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; theo đó, tổng kinh phí thực hiện cả giai đoạn là 19.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2018 đã đầu tư 9.106 công trình; năm 2019 đã có 125 xã của 29 tỉnh và 1.298 thôn, bản của 39 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu Chương trình.

Bên cạnh tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc; hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NÐ-CP, ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, UBDT cũng tổ chức thành công Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ nhất (năm 2017); lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu được UBDT tổ chức hằng năm; tổ chức thành công giao lưu hữu nghị giữa đại biểu DTTS, người có uy tín sinh sống dọc biên giới Việt Nam - Lào và chia sẻ kinh nghiệm công tác dân tộc năm 2019, tại tỉnh Nghệ An. UBDT cũng đã chỉ đạo tổ chức thành công Ðại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ 3 năm 2019, ở 50 tỉnh, 363 huyện, với tổng số hơn 10.800 đại biểu.

Năm 2019, lần đầu, UBDT tổ chức họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố Cần Thơ, với 500 đại biểu dân tộc Khmer tiêu biểu tiên tiến. Ðồng bào rất vui mừng, phấn khởi và tăng thêm niềm tin đối với Ðảng, Nhà nước. Ðồng thời, phối hợp tổ chức gặp mặt 300 đại biểu già làng, trưởng bản nhân dịp Kỷ niệm 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng Tây Nguyên, tại tỉnh Gia Lai năm 2019. Công tác phối hợp tổ chức điều tra, thu thập thông tin thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 và tổ chức công bố kết quả năm 2020 là căn cứ có tính pháp lý để đánh giá chính xác kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2015 - 2020, xây dựng các chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những thành công của công tác dân tộc trong nhiệm kỳ này là thành lập Học viện Dân tộc; tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho hệ thống chính trị trong phạm vi toàn quốc, theo Quyết định số 771/QÐ-TTg, ngày 26-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ này là nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra một hệ thống chính sách ngày càng toàn diện, có tính chất nền tảng cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Kết quả đó cũng gắn liền với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, công sức đóng góp của đội ngũ cán bộ Ủy ban Dân tộc và hệ thống cơ quan công tác dân tộc; sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự phối hợp của các nhà khoa học, cùng với sự đồng thuận, nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Nhờ vậy, vùng DTTS&MN có sự chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm. Ðến nay đã có 98,4% số xã có đường ô-tô đến trung tâm; hơn 98% số hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường lớp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% số xã có trạm y tế; hơn 90% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% số xã có hạ tầng viễn thông; bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp được giữ gìn; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố; tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, vùng DTTS&MN vẫn là địa bàn khó khăn nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; thiên tai xảy ra thường xuyên; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa so với mặt bằng chung vẫn còn thấp. Công tác dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Năm 2020, dịch Covid-19 đã diễn ra ở nhiều nước và Việt Nam, tác động mạnh đến kinh tế - xã hội, trong đó có vùng DTTS&MN. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Ủy ban Dân tộc đã triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh ở vùng DTTS&MN; kịp thời có giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả; tập trung thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, vừa chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch công tác dân tộc.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, đưa công tác dân tộc lên tầm cao mới, chúng ta cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác dân tộc. Chú trọng đổi mới công tác tổ chức cán bộ đáp ứng yêu cầu đề ra; chọn xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người DTTS có đủ năng lực, phẩm chất làm khâu đột phá, đi trước một bước. Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Xây dựng, củng cố toàn diện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN. Ba là, tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tiêu chí phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025; làm căn cứ để xây dựng và tổ chức thực thi chính sách phù hợp điều kiện thực tiễn vùng DTTS&MN. Bốn là, thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020, bảo đảm trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, dự kiến tổ chức vào tháng 11-2020, trong ba ngày với 1.600 đại biểu chính thức tham dự Ðại hội, với đầy đủ thành phần 54 dân tộc. Ðại hội sẽ là ngày hội đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào với Ðảng, Nhà nước, trước thềm Ðại hội XIII của Ðảng. Năm là, tăng cường công tác nắm tình hình vùng DTTS&MN. Ðối với Quyết định 2085/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết bốn nhóm vấn đề khó khăn, bức thiết: Hỗ trợ đồng bào DTTS về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn phát triển sản xuất. Ðối với Quyết định 2086/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tập trung hỗ trợ cho 194 thôn, 93 xã, 37 huyện, 12 tỉnh có 16 DTTS có dân số dưới 10.000 người; duy trì, phát triển các DTTS rất ít người; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động đồng bào vùng DTTS&MN thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Chú trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách dân tộc, tôn giáo, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc...

Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc nguyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng, với quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt hơn để đưa công tác dân tộc lên tầm cao mới, góp phần phát triển bền vững vùng DTTS&MN./.

Ðỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng,
Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
/nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất