Thứ Sáu, 6/12/2024
Học tiếng Êđê để “4 cùng” với đồng bào

Dù quỹ thời gian hạn hẹp vì chỉ diễn ra trong khoảng một tháng, nhưng với tinh thần cầu thị, tự giác và kiên trì, đến nay, các học viên cơ bản đã tự tin đọc, nói, viết để thực hiện “4 cùng” với đồng bào.

Cô giáo H’Mi Cil, Ban Nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc tỉnh Đắk Lắk – người trực tiếp giảng dạy các học viên cho hay: Khó khăn dành cho lớp học rất nhiều, nhất là quỹ thời gian hạn hẹp, nhưng nhờ tinh thần và trách nhiệm trong học tập của học viên mà lớp học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với vai trò là người truyền“lửa” đam mê cho học viên, cô H’Mi Cil cùng các đồng nghiệp nhiệt tình hướng dẫn các chiến sĩ học tập theo từng chủ đề, chủ điểm, trong đó đi sâu vào các nội dung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của bộ đội khi làm công tác tuyên truyền tại cơ sở. Sự nhiệt tình, thân thiện, dí dỏm, cùng những bài học liên hệ thực tế của các giảng viên đã góp phần giúp học viên thêm yêu mến môn học này.


 Thượng tá Trần Minh Trọng cùng các giảng viên, học viên trao đổi về học tiếng Êđê

Luôn luôn kết hợp giữa học đi đôi với hành, cuối mỗi năm học, lớp đều tổ chức thực tế về các buôn làng có đa phần đồng bào Êđê sinh sống để bộ đội trải nghiệm và thực hành giao tiếp. Bổ sung cho nội dung học tập thêm phong phú, năm học 2020 này, học viên được cán bộ, chiến sĩ Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở hướng dẫn học các làn điệu dân ca Êđê. Nếu ban ngày trau dồi lý thuyết, thì tối đến cả lớp lại cùng họp mặt tập hát, học cách nhấn nhá câu từ, ngân nga theo từng điệu nhạc. Tuy thời gian eo hẹp, nhưng nhờ ca từ, nhịp điệu các bài hát dễ đi sâu vào lòng người, nên các chiến sĩ cũng đã kịp thuộc hai “bài tủ” là “Chim Ktia” và “Chi ri ria”. Tại lễ bế mạc khóa học mới đây, đội văn nghệ của lớp lên sân khấu biểu diễn, tuy còn đôi chút vụng về, nhưng đã nhận được sự khích lệ, tán dương từ đại biểu.

Gắn bó với lớp học, Trung úy QNCN Nguyễn Trung Hải (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar) được truyền đạt cũng như trải nghiệm nhiều điều quý giá trong cuộc sống. Từng chỉ bập bẹ được vài từ khi xuống công tác tại cơ sở, thì nay, anh đã thành thạo, tự tin trước đồng bào mỗi lần trò chuyện. Anh cho hay, bản thân tiến bộ nhanh chóng là nhờ phương pháp dạy cuốn hút của giảng viên, cũng như các lần được thực tế tại buôn làng. Được gần dân, thấy đời sống bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng họ vẫn nhất quyết gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống như các loại nhạc cụ dân tộc, chiêng, ché, ghế kpan… khiến anh thêm ngưỡng mộ, yêu mến và đam mê hơn với việc học tập của mình.

Xác định việc học đóng vai trò quan trọng cho những lần công tác cơ sở, Trung tá Phan Tất Đại (Ban Chỉ huy Quân sự M’Đrắk) luôn nghiêm túc, chịu khó trau dồi kiến thức mỗi ngày. Theo anh, học tiếng Êđê thật tốt là một trong những điều kiện tiên quyết, giúp rút ngắn khoảng cách giao tiếp giữa bộ đội với đồng bào. “Một khi mình nói đồng bào hiểu, đồng bào nói mình lắng nghe, thì công tác dân vận sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Sự tiếp xúc gần gũi, thân thiện sẽ tạo tình cảm tốt đẹp, giúp bà con thêm vững tin để thực hiện hiệu quả mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước” - anh chia sẻ.

“Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận, từ năm 2003 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên mở các lớp học tiếng Êđê, qua đó bồi dưỡng cho hơn 800 cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang tỉnh” - Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Sau ba năm học tập, gần 60 học viên lớp học, từ chỗ không biết, hoặc chỉ bập bẹ biết tiếng dân tộc, đến nay, học viên cơ bản đã nắm được hệ thống chữ cái, biết đọc, viết, nói và hiểu hơn về văn hóa, truyền thống đồng bào Êđê. Kết quả cuối khóa học có 100% học viên đạt yêu cầu; tỷ lệ học viên đạt khá, giỏi chiếm 34,53%. Tiêu biểu trong học tập, rèn luyện phải kể đến Trung tá Phan Tất Đại, Trợ lý Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện M’Đrắk; Thiếu tá Y Tổng Êban, Trợ lý Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk; Đại úy Nguyễn Chí Thanh, Trợ lý Chính trị, Phòng Tham mưu; Đại úy Huỳnh Ngọc Sơn, Trợ lý Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp… Quả ngọt này cũng là bước khởi điểm quan trọng để bộ đội thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 105/CT-BQP về tăng cường học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân,thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp mở các lớp học tiếng Êđê nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Với kiến thức cơ bản được truyền dạy, hy vọng học viên sẽ không ngừng nghiên cứu, tự học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ, kỹ năng giao tiếp. Việc bộ đội áp dụng tốt vào quá trình công tác cơ sở, tiếp xúc gần gũi với đồng bào không chỉ thêm gắn kết tình quân – dân, mà còn góp phần tuyên truyền giúp đồng bào các dân tộc hiểu rõ hơn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước./.

Anh Trường

 

 

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi