“Lửa thử vàng gian nan thử sức”
Hơn 11 năm gắn bó với mái trường Tiểu học Minh Cầm, xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang là từng đó thời gian cô Nông Thị Tuyến (dân tộc Tày) nỗ lực vượt qua hoàn cảnh riêng để kiên trì, bền bỉ theo đuổi ước mơ, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Mặc dù gia đình hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng phải làm việc xa, con nhỏ không may mắc bệnh teo thực quản và câm điếc bẩm sinh. Bản thân lại mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn chồng chất khó khăn, có những lúc cô phải xin nghỉ ở trường để điều trị, đi truyền hóa chất... nhưng cô Tuyến luôn tâm niệm “lửa thử vàng gian nan thử sức”, khó khăn không phải để chùn bước, mà là động lực để vượt qua.
|
Cô Nông Thị Tuyến chia sẻ tại chương trình
|
Đó dường như cũng là động lực để cô Hoàng Thị Cúc (dân tộc Tày), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Sơn Động, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống để bám trụ với nghề.
Những thầy cô dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoài giờ lên lớp soạn giáo án vẫn tìm các công việc làm thêm vất vả để có thêm tiền hỗ trợ các em học sinh quyển vở, cái bút hay manh áo, bữa cơm để các em yên tâm đến lớp mỗi ngày. Các thầy cô không chỉ dạy học trò kiến thức mà như người cha, người mẹ thứ hai.
Gia đình chồng cô Cúc thuộc hộ cận nghèo của huyện Sơn Động, hơn nữa sức khỏe chồng lại yếu không có việc làm, lương hợp đồng giáo viên hơn 3 triệu đồng của cô là nguồn cung chính nuôi cả gia đình. Bởi vậy, cứ sau giờ lên lớp, cô tất bật với công việc bán đồ ăn, phụ rửa cốc chén... tới 12 giờ đêm để nuôi sống gia đình. Cô đã nghèo, học trò còn khó hơn, bởi vậy không ít lần đồng lương ít ỏi của cô cũng để cưu mang học trò, giúp các em có thêm quyển vở, cây bút đến trường.
Cuộc sống khó khăn là vậy, thế mà sáng ra, nhất là mùa mưa bão, cô phải lội qua con đường 20km để đến trường. “Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng việc những học sinh của mình đạt giải các môn văn hóa, thể dục thể thao, chăm lo đời sống học sinh, cùng sự sẻ chia của đồng nghiệp đã giúp tôi kiên định với nghề và vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, cô Hoàng Thị Cúc chia sẻ.
Khó khăn không chỉ là mỗi ngày thầy cô đi dạy phải vượt qua những cung đường dài vài chục cây số gập ghềnh hiểm trở, một bên là vách cao, một bên là vực sâu. Mà đó còn là các thầy cô ở lại với những phòng học tranh tre nứa lá, trời mưa thì dột, trời rét thì lạnh thấu xương, nhường những chỗ tốt nhất cho học trò của mình để các em có thể yên tâm an toàn học tập.
|
Cô giáo Vàng Ha De tại lễ vinh danh
|
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình công tác tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cô giáo Vàng Ha De (dân tộc La Hủ), cho biết: Do nhận thức còn hạn chế, nên nhiều phụ huynh ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em. Những năm trước đây, ngày nào các thầy cô giáo cũng phải đến các bản, vận động từng học sinh tới trường.
"Lớp học của cô trò chúng tôi dựng bằng ván gỗ, điều kiện vật chất thiếu thốn đủ đường, nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng vừa công tác tốt, vừa thay phụ huynh chăm lo cho học sinh từ việc giặt giũ đến vệ sinh cá nhân. Nhiều lúc, tôi chỉ thầm ước điểm trường được xây dựng kiên cố hơn, có nhà vệ sinh để cô trò bớt khó khăn", cô giáo Vàng Ha De xúc động nói.
Còn cô Phùng Thị Thủy (dân tộc Thái) bộc bạch: "Tôi công tác tại tại Điểm trường Mầm non xã Pa Thơm, là điểm trường xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện, cho nên thường chỉ vào dịp cuối tuần, tôi mới được liên lạc về gia đình một lần".
"Trước đây, điểm trường của chúng tôi được phụ huynh học sinh góp sức trát bùn làm vách đất, mái cũng chỉ lợp lá, ngày mưa giáo viên muốn tới trường phải đi bộ hơn bốn giờ. Đến nay, dù cơ sở vật chất đã cơ bản được cải thiện, nhưng điểm trường vẫn chưa có điện. Trời lạnh đến mấy, cô trò cũng đều dựa vào nguồn điện năng lượng mặt trời ít ỏi để sinh hoạt mỗi ngày", cô Thủy cho hay.
Trưởng thành từ bản làng và nay quay trở lại để đóng góp cho quê hương, đất nước, các thầy cô đều nói: Một khi đã yêu nghề và mong muốn những trẻ em vùng cao cũng được học hành như các em miền xuôi thì những khó khăn đó là điều hết sức bình thường.
Khởi động 3 điều ước
Là một trong những thầy giáo có nhiều năm công tác và gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số, thầy K’Dĩnh, giáo viên dạy Trường Tiểu học Tân Phúc 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận chia sẻ: “Dù tôi chỉ dạy học sinh ở cấp 1 nhưng tôi vẫn luôn theo dõi các em lên các cấp cao hơn. Nhưng tôi thấy một thực trạng đáng buồn là cứ lên cấp 2 các em bỏ học rất nhiều. Khi tôi trao đổi với các em bỏ học, tôi biết học sinh thích thì đi học không thích thì không đi. Và làng tôi cũng vậy. Một phần nữa phụ huynh khoán trắng cho thầy cô bởi vậy tỉ lệ bỏ học rất cao".
|
Thầy K’Dĩnh chia sẻ những gắn bó với nghề dạy học
|
Thầy K’Dĩnh cũng kể thêm, dù Nhà nước rất quan tâm cho các chính sách, mở trường nội trú và trường nghề nhưng tỉ lệ bỏ học vẫn cao. Ở trường nghề các em vừa được học văn hóa, vừa được học nghề tuy nhiên khi đi học nghề chương trình học nặng, các em lại bỏ học đi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân.
Cũng trăn trở như thầy K’Dĩnh, cô Trần Thị Bích Thu, giáo viên Trường Mầm non Hòa Bắc, xã Hòa Bắc, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng chia sẻ: “Đà Nẵng rất quan tâm đến học sinh dân tộc thiểu số nên đã đầu tư cơ sở vật chất, chế độ rất đảm bảo cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên trẻ mầm non của người dân tộc Cơ Tu vốn Tiếng Việt rất ít, trẻ chưa tự tin sử dụng Tiếng Việt để giao tiếp, tham gia hoạt động học tập nên các em rất thiếu kỹ năng”.
Nhìn những học trò dáng người nhỏ bé, khó đảm bảo sức khỏe cho học tập, cô Thu hiểu là do chế độ dinh dưỡng của các em còn rất hạn chế, bởi vậy cô luôn trăn trở “Dinh dưỡng rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đây là vấn đề tôi trăn trở và rất mong trẻ dân tộc Cơ tu nói riêng, trẻ em vùng kinh tế xã hội khó khăn nói chung được hỗ trợ để có thể nâng cao thể trạng, từ đó phát triển tốt hơn”.
Hơn 17 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaTrol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), nhận thấy hiện nay học sinh ít biết về truyền thống văn hóa của dân tộc.
“Tại Sông Hinh, người Êđê, Ba Na có một kho tàng văn hóa hết sức đồ sộ, quý giá, như văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống… nhưng học sinh người Êđê, Ba Na rất ít biết đánh cồng chiêng; ít biết hát dân ca, hoặc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Các em gần như không biết các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, làm rượu cần... Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sau này sẽ gặp khó khăn”, cô Lê Thị Thu Trang chia sẻ.
Từ thực tế đó, cô Trang tha thiết muốn có một đề án hoặc kế hoạch cụ thể để đưa những nội dung trên vào chương trình học ngoại khóa của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc trong đoàn viên thanh niên để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
|
63 thầy, cô giáo là người dân tộc thiểu số tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô"
|
Những trăn trở, sẻ chia của các thầy cô đã phần nào được vơi đi khi họ biết qua chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, một phong trào "3 điều ước" đã được khởi động, hưởng ứng lời kêu gọi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ thiết thực cho các điểm trường còn khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 3 điều ước đó sẽ tập trung vào 5 vấn đề còn khó khăn: Năng lượng điện; nhà vệ sinh; dụng cụ học tập; bữa ăn trưa cho học sinh và cuối cùng là các vấn đề còn lại như nước, trang thiết bị...
Tất cả đều hi vọng phong trào đó sẽ lan tỏa như một sự tri ân những tấm gương thầm lặng "cõng chữ lên non" của rất nhiều thế hệ giáo viên vùng khó khăn; cùng trân trọng công lao của các thầy cô, cùng hướng về và chia sẻ với gian khó của các thầy cô, để các thầy cô có thêm nhiệt huyết trên con đường mà các thầy cô đã chọn./.
(qdnd.vn)