Chủ Nhật, 5/1/2025
Huyện Xuân Lộc: Hiệu quả từ thực hiện chính sách dân tộc

 Già làng Hùng Văn Xứng (trái) cùng cán bộ xã Xuân Phú (Xuân Lôc, Đồng Nai) trao đổi công việc

Thời gian qua, trong triển khai thực hiện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, việc thực hiện công tác dân tộc luôn được Huyện ủy - UBND huyện đặc biệt quan tâm.

Nhiều chính sách thiết thực, ý nghĩa

Trưởng phòng Dân tộc huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, địa phương đã xác định công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ rất quan trọng và bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là những vùng có đông đồng bào DTTS bởi xét về mặt bằng kinh tế - xã hội, những vùng này có thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện.

Để khắc phục khó khăn trên, theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Xuân Lộc, một mặt huyện tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc hiện hành của Nhà nước, của tỉnh như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ nghèo DTTS theo Quyết định số 1635/QĐ-UBND và Quyết định số 3716/QĐ-UBND của UBND tỉnh; hỗ trợ thiết bị lọc nước nhỏ lẻ cho hộ DTTS hay cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS từ quỹ kết dư khám chữa bệnh; hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ..., mặt khác, huyện còn có những chính sách riêng để đầu tư, hỗ trợ đến từng hộ gia đình, từng cụm dân cư vùng đồng bào DTTS nhằm giúp họ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, giảm dần khoảng cách về mức sống giữa đồng bào DTTS với cộng đồng dân cư.

Điển hình như các chính sách: hỗ trợ ngân sách huyện để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn tại làng dân tộc, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống; xây dựng nhà văn hóa dân tộc; hỗ trợ bể nước lọc phèn, huy động hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo DTTS... Bên cạnh đó, huyện chú trọng mời gọi đầu tư, mở rộng và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; qua đó tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho bà con. Đồng thời, tích cực chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ để hình thành các vùng chuyên canh về cây ăn trái, áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất... Từ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả.

Ông Thạch Vương (dân tộc Khmer, xã Suối Cát) kinh tế gia đình có xuất phát điểm rất khó khăn với chỉ chưa tới 2 sào đất, chuyên trồng bắp và mì. Song nhờ chăm chỉ, chịu khó, nhanh nhẹn của bản thân cùng sự tuyên truyền, hướng dẫn của địa phương trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hiệu quả sản xuất của gia đình ông ngày càng tăng cao. Đất đai và thu nhập của gia đình ông từ đó tăng lên, đưa gia đình ông dần  thoát nghèo rồi trở nên khá giả. Vào mùa vụ, ông còn tạo thêm nhiều việc làm thời vụ cho bà con tại địa phương.

Bên cạnh đó, ông còn được người dân tin tưởng ở vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer nơi đây. Ông Thạch Vương chia sẻ, nhận thấy rõ tác động của các chính sách dân tộc, sự động viên của chính quyền địa phương đối với sự đổi thay trong cuộc sống của bản thân, bằng uy tín, ông tích cực vận động, tuyên truyền đồng bào mình nỗ lực vươn lên và tích cực đóng góp trong xây dựng nông thôn mới...

Trên lĩnh vực  văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh, huyện Xuân Lộc có các biện pháp xây dựng và phát triển mạng lưới giáo dục mầm non; hướng dẫn chỉ đạo xây dựng quy ước làng dân tộc; thành lập đội nữ dân phòng dân tộc Chơro tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú hay Tổ nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh trật tự tại ấp Tân Hưng, xã Xuân Thành...

Cùng với đó, huyện còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, mà đi đầu là đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS, tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khu, ấp văn hóa, công tác giảm nghèo, vận động hiến và đóng góp xã hội hóa, hiến đất làm đường, góp công sức trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao ngay tại cộng đồng dân cư nơi cư trú.

* Đời sống của đồng bào DTTS ngày càng nâng cao

Trưởng phòng Dân tộc huyện Xuân Lộc Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh: “Việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã tạo điều kiện tích cực cho thực hiện các tiêu chí về an ninh trật tự, giao thông, điện, nhà ở dân cư, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện nói chung và của đồng bào DTTS nói riêng ngày càng được cải thiện và nâng cao”.

Cụ thể là mức thu nhập bình quân đầu người đạt 63,67 triệu đồng (cuối năm 2019). Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 163,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS cuối năm 2020 giảm (chỉ còn 71 hộ), chiếm 15,7% số hộ nghèo toàn huyện và chiếm 1,6% so với tổng số DTTS. Tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng tuổi bậc tiểu học và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...

Ông MoHaMed NooRuDeen, dân tộc Chăm, Trưởng ấp 4, xã Xuân Hưng chia sẻ, thời gian qua, cùng với Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện đã luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc bằng rất nhiều chương trình cụ thể, thiết thực, ý nghĩa. Nhờ đó, đời sống đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Chăm nơi ông sinh sống nói riêng ngày càng tiến bộ.

“Con em nơi đây đều được học hành đến nơi đến chốn, nhiều em học đại học, nhiều em học nghề; công ăn việc làm được đảm bảo, đời sống khá dần lên; tình hình an ninh trật tự ổn định. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đầy đủ, khang trang; bà con được dùng nước sạch 100%...” - ông MoHaMed NooRuDeen phấn khởi cho biết./.

(baodongnai.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất