Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đồng bào DTTS tại các xóm, bản vùng sâu, vùng xa đã có cuộc sống đầy đủ hơn mỗi khi Tết đến, Xuân về.
|
Tết Nguyên đán năm nay, người dân ở 2 xóm Kim Tiến và Nam Cơ, xã Kim Phượng
(Định Hoá, Thái Nguyên) sẽ có đường mới để đi
|
Từ năm 2017 trở về trước, gần 70ha đất lúa và hoa màu của người dân 2 xóm Tân Sơn và Trường Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên do hệ thống thuỷ lợi xuống cấp không đủ đáp ứng. Vì thế mà chuyện mất mùa cũng thường xuyên xảy ra, dẫn đến cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây rất bấp bênh.
Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường cho biết: Trước thực trạng đó, năm 2018, hồ thuỷ lợi Nà Gieng đã được đầy tư nâng cấp, cải tạo với kinh phí 3 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135. Hiện nay, hồ có sức chứa hơn 60.000m3 nước, phục vụ nước tưới cho hơn 70ha đất canh tác của người dân 2 xóm Tân Sơn và Trường Sơn. Nhờ có nguồn nước thủy lợi, bà con đồng bào nơi đây không những sản xuất được 2 vụ lúa/năm mà còn trồng được nhiều loại hoa màu khác. Qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Cuối năm 2019, xã Cúc Đường chỉ còn 135 hộ nghèo và 168 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm.
Cũng như xã Cúc Đường, nhờ các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS và MN mà đời sống của người dân xã Kim Phượng (Định Hoá) đã có nhiều đổi thay. Những ngày cuối 2020, người dân 2 xóm Kim Tiên, Nam Cơ, xã Kim Phượng háo hức, phấn khởi khi con đường nối 2 xóm chuẩn bị đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Duy Thư, người dân xóm Kim Tiến chia sẻ: Đường được khởi công xây dựng, bà con 2 xóm vui mừng, phấn khơi lắm. Nhiều người tự nguyện chặt cây cối, hiến đất. Gia đình tôi cũng hiến gần 50m2 đất thổ cư. Con đường liên xóm Kim Tiến, Nam Cơ có chiều dài gần 1km, được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng.
Ngoài công trình đường liên xóm trên, trong năm 2020, xã Kim Phượng còn được đầu tư hơn 200 triệu đồng để đầu tư sửa chữa công trình nước sạch, đường giao thông; 520 triệu đồng, hỗ trợ mua máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp và cây, con giống. Ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết: Tháng 1-2020, xã Kim Phượng mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích đất tự nhiên và nhân khẩu của xã Kim Sơn vào xã Kim Phượng. Sau khi sáp nhập, xã vẫn được hưởng Chương trình 135, từ nguồn vốn này xã đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, cây, con giống cho các xóm khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Nhờ đó, bà con đã có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện nay, số hộ nghèo của xã chỉ còn 78/1.511 hộ và 104/1.511 hộ cận nghèo.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 123 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và MN. Đồng bào DTTS có trên 384 nghìn người, chiếm 29,87% số dân toàn tỉnh. Những năm gần đây, nhờ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn vùng DTTS và MN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên. Đơn cử như trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 là 554,03 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 445 dự án về giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực hiện nhân rộng 57 mô hình giảm nghèo; đầu tư xây dựng 414 công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, nước sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng 184 công trình...
Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” đã hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai cho gần 7.000 lượt hộ với diên tích 3.130,8ha, kinh phí 14,91 tỷ đồng; hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng để đồng bào trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò và hỗ trợ 1 tỷ đồng để đồng bào trồng cây ăn quả trên diện tích đất 40 ha...
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân tộc như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất; đẩy mạnh giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo...
(mattran.org.vn)