Những năm qua, công tác vận động, tập hợp và phát huy vai trò của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số được Hội LHPN huyện Ba Bể đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, góp phần tìm ra những nhân tố điển hình, tích cực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hội LHPN huyện Ba Bể hiện có 9.680 hội viên, trong đó hơn 90% hội viên là người dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, vai trò của phụ nữ trên địa bàn huyện đã được phát huy trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong phát triển kinh tế. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế do hội viên phụ nữ làm chủ mang lại hiệu quả cao, nhất là trong các mô hình kinh tế tập thể. Được biết, hiện nay Hội Phụ nữ huyện Ba Bể có 22 hội viên phụ nữ làm tổ trưởng các tổ hợp tác và 2 hội viên là Giám đốc HTX.
|
Phụ nữ người dân tộc Dao ở xã Yến Dương tham gia mô hình đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống |
Với niềm đam mê với nông nghiệp, năm 2018 chị Ma Thị Ninh- Giám đốc HTX Yến Dương đã năng động, đi đầu vận động các hộ dân trong xã thành lập HTX Yến Dương với 30 thành viên là chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số. Chia sẻ với chúng tôi, chị Ninh cho biết: Nhận thấy ở địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Địa phương chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp; sản phẩm của bà con làm ra khó khăn trong khâu tiêu thụ. Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao giá trị tinh thần văn hóa của dân tộc vùng cao, chị đã vận động các hộ dân trong xã thành lập HTX Yến Dương.
Với sự năng động, dám nghĩ dám làm, nhạy bén với thị trường, chị Ma Thị Ninh cùng với Ban Quản trị HTX Yến Dương xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với lợi thế của địa phương, chị đã cùng với các thành viên tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản với cây trồng thế mạnh của địa phương như: Bí xanh thơm, gạo Nếp Tài, miến dong và liên kết sản xuất một số sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống, dệt thổ cẩm. Đến nay HTX Yến Dương đã thành lập được các nhóm sản xuất bí xanh thơm, nhóm sản xuất lúa Nếp Tài, nhóm sản xuất chế biến miến dong tráng tay, nhóm sản xuất mướp đắng rừng, nhóm đan lát thủ công truyền thống. Mỗi nhóm đều có tổ trưởng, trưởng nhóm phụ trách là hội viên phụ nữ. Các tổ trưởng là hội viên phụ nữ đều mạnh dạn, năng động, làm chủ các mô hình kinh tế, biết trình bày những kế hoạch, nguyện vọng của mình trước các tổ chức, dự án.
Chị Ma Thị Ninh cho biết thêm, mục đích vận động thành lập HTX bên cạnh việc giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số. Qua đó, thực hiện tốt bình đẳng giới và nêu cao vai trò của người phụ nữ, làm sao để phụ nữ được làm chủ, được coi trọng trên mọi lĩnh vực.
Chị Triệu Thị Hưng- Tổ trưởng Tổ sản xuất gạo Nếp Tài của HTX Yến Dương chia sẻ: Từ khi trở thành thành viên HTX chị em phụ nữ người dân tộc Dao ở thôn Nà Pài đã được tiếp cận với mô hình phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập, từ đó vai trò của phụ nữ được phát huy và được tôn trọng. Hiện gia đình chị tham gia trồng 1,5ha cây dong riềng đỏ, 2.000m2 lúa Nếp Tài để cung cấp nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến của HTX.
Ngoài việc tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, nhiều hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Bể còn trở thành chủ các mô hình kinh tế tổng hợp mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như các hội viên: Nông Thị Chiêm, thôn Nà Lìn, xã Địa Linh; Hoàng Thị Tiệm, thôn Mỏ Đá; Giàng Thị Pào, thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo... đầu tư vào phát triển chăn nuôi trâu, bò mang lại thu nhập cao.
Đồng chí Ma Thị Lịch- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Bể cho biết: Xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vì vậy Hội LHPN huyện đã chủ động tuyên truyền các chương trình, dự án liên quan đến chị em phụ nữ. Đồng thời vận động cán bộ, hội viên, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế của địa phương trên cơ sở ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Qua đó đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình, tích cực đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
(baobackan.org.vn)