Ngày 23/3, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã có buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đánh giá kết quả chính sách tín dụng và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ tín dụng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG).
|
Quang cảnh buổi làm việc |
Ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì buổi làm việc. Tham dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cùng đại diện các Bộ, ngành và Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, thời gian qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho đồng bào DTTS đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH, ổn định an ninh trật tự tại địa phương…
Theo đó, tính đến hết 2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 233.426 tỷ đồng. NHCSXH đang quản lý tổng dư nợ đạt 226.197 tỷ đồng, với hơn 7,9 triệu món vay của trên 6,4 triệu khách hàng còn đang dư nợ. Trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với doanh số vay là 162.519 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 106.515 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 56.004 tỷ đồng. Bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 39,4 triệu đồng/bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng.
Dư nợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của NHCSXH, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ; dư nợ bình quân một hộ trong khu vực đạt 37 triệu đồng/bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng. Dư nợ bình quân một xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng.
Theo NHCSXH, hơn 18 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó: có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 165 nghìn lao động (trên 18 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 216 nghìn căn nhà ở…
Trong tổng số 10 dự án của Chương trình MTQG có 3/10 dự án có sự tham gia của vốn tín dụng chính sách xã hội, với tổng số vốn dự kiến là 42.399 tỷ đồng, bao gồm: dự án 1 – Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án 3 – Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; dự án 6 – Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG như: tại từng dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, xác nhận đối tượng thụ hưởng để triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; một số dự án quy định hạn mức, thời hạn, lãi suất cho vay chưa phù hợp...
Kết luận buổi làm việc, ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những đóng góp của NHCSXH trong thời gian qua, nhất là đã góp phần vào việc phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ông Hà Ngọc Chiến đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng Nghị định riêng về thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình MTQG. Các chính sách tín dụng ưu đãi trong Chương trình MTQG cần mở rộng thêm đối tượng, nghiên cứu lãi suất cho phù hợp.
(baodantoc.vn)