Thứ Sáu, 19/4/2024
Cái tai nghe thuận, cái bụng sẽ ưng

 Lực lượng chức năng tuyên truyền lưu động cho người dân trên địa bàn xã Ka Lăng

Mưa dầm thấm lâu

Khoảng 2 năm nay, cứ vào thứ Năm hằng tuần, người dân xã Ka Lăng, huyện Mường Tè lại nghe tiếng loa phát thanh lưu động của UBND xã tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid và các nội dung phổ biến pháp luật. 

"Được nghe tuyên truyền bằng tiếng của dân tộc mình, chúng tôi hiểu rõ hơn về dịch bệnh từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng, nỗ lực, góp sức đề phòng, chống dịch Covid-19. Trước đây, người dân thường đi xa, thậm chí vượt biên sang nước bạn mưu sinh. Tuy nhiên, từ khi được tuyên truyền phổ biến về dịch bệnh, người dân không đi xa nữa”, anh Lỳ Hà Xu cho biết thêm.

Không chỉ tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong thời kỳ giãn cách xã hội, thời gian qua, lực lượng chức năng còn tích cực tuyên truyền các kiến thức pháp luật bằng tiếng Hà Nhì cho người dân.

Bà Lù Gạ Xó, bản Mé Gióng, xã Ka Lăng kể, trước kia người Hà Nhì có thói quen du canh du cư, đốt nương làm rẫy. Sau này, một số người cũng bước đầu nhận thấy đây là thói quen xấu, vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa không bảo đảm cuộc sống. Thế nhưng đã là thói quen, nên người dân khó từ bỏ. Thời gian đó, cán bộ kiên trì tuyên truyền người dân, bằng chính tiếng Hà Nhì rất gần gũi dễ hiểu. Mưa dầm thấm lâu, người này khuyên bảo người kia, giờ người dân trên địa bàn đã không còn giữ thói quen này nữa.

Cần nhân rộng mô hình

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Khoàng Xì Chừ, Chủ tịch UBND Xã Ka Lăng cho biết, trên địa bàn hiện có 8 thôn bản, gồm 2 dân tộc là người Hà Nhì và La Hủ sinh sống (trong đó chủ yếu là người Hà Nhì). Do địa bàn rộng, giáp biên giới, nên công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật luôn được chính quyền chú trọng.


 Chính quyền hỗ trợ người DTTS xã Ka Lăng gặp khó khăn trong dịch bệnh

 Xã thường xuyên mời “phát thanh viên” tiếng Hà Nhì là cán bộ, giáo viên trong xã tham gia vào công tác tuyên truyền. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, xã mời thầy giáo Sử Chóng Tư thu âm tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Bản thu âm này, được cán bộ xã sử dụng loa di động, đưa lên xe máy rong ruổi phát trên toàn địa bàn. Thường thì cán bộ xã đi hết 1 ngày mới hết các thôn bản.

Không chỉ tuyên truyền về dịch Covid-19, lực lượng chức năng các cấp còn lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật theo chuyên đề chuyên sâu cho người dân. Như, Bộ đội Biên phòng phối hợp với cán bộ xã phát thanh song ngữ về vấn đề an ninh biên giới, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép...; lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án cũng thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền các nội dung phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, cán bộ xã còn lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa để người dân dễ nắm bắt.

Có thể nói, thông qua các buổi tuyên truyền giàu tính chuyên môn, lại gần gũi qua hình thức tiếng dân tộc Hà Nhì, người dân đã thấm sâu các kiến thức pháp luật, từ đó yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Ông Khoàng Xì Chừ cho biết thêm, nhờ cách làm này, hiểu biết về pháp luật của người dân ngày càng nâng cao. Đến nay, tình trạng vi phạm pháp luật trong Nhân dân giảm mạnh, trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng du canh du cư, các tập tục lạc hậu hầu như bị xóa bỏ. Bà con tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống, tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Đặc biệt, người dân trong địa bàn đã vượt qua được “cái lý” của cha ông truyền lại để thực hiện theo nếp sống mới. Hiện nay, đám tang chỉ để người mất trong nhà  không quá 2 ngày, tục thách cưới không còn xảy ra, nhiều gia đình tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo khi đã đủ điều kiện; bản sắc văn hóa của người Hà Nhì, La Hủ được quan tâm gìn giữ.

 Xã đã hoàn thành được 14/19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. 8/8 bản có quy ước, có Nhà văn hóa và có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên. Số hộ nghèo giảm từ 57% (năm 2016) xuống còn 43%.

Có thể nói, qua hoạt động trong thực tiễn mô hình tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng tiếng DTTS tại chỗ, đã phát huy hiệu quả rất tốt. Người dân cảm thấy tự hào hơn, khi nghe bằng chính tiếng nói của dân tộc mình, qua đó tự giác thực hiện pháp luật. Đây là một mô hình hay, cần nghiên cứu áp dụng tại các địa phương khác thời gian tới./.

(baodantoc.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất