Thứ Tư, 18/12/2024
Tăng cường công tác dân vận nhằm giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Gia đình người Mông

Trong nhiều năm qua, nhận thức được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống chính trị các cấp ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số đã tăng cường công tác dân vận nhằm tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, nhất là đối với đồng bào dân tộc có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, cấp ủy các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng cường chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và công tác nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, Ủy ban nhân dân các cấp đã phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe giới tính, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các tiêu chí cụ thể để đánh giá xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa, khu dân cư tiến tiến” vào ngày 18/11 hàng năm. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương trong vùng dân tộc thiểu số đã chủ động phối hợp với với các ngành: Tư pháp, Y tế, Giáo dục, Bộ đội Biên phòng… tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ truyền thông xã, thôn có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phối hợp với tăng cường công tác tuyên truyền thông qua việc biên soạn, phát hành các tờ gấp; cuốn sổ tay; áp phích có nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cấp phát đến các thôn bản ở vùng sâu, vùng xa. Mặt trận các cấp đã phát huy vai trò các Ban Công tác Mặt trận và các Tổ dân vận ở các khu dân cư nhằm tăng cường vận động đồng bào thực hiện quy ước, hương ước ở các khu dân cư; phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, người có uy tín, già làng, trưởng bản tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân… Các tổ chức đoàn thể ở cơ sở như Chi hội Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, các chi hội tại các thôn, bản….

Tuy nhiên, hiện công tác tuyên truyền, vận động của hệ thống chính trị các cấp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng này không chỉ xảy ra trong các dân tộc thiểu số mà xảy ra cả với cả con, em đồng bào dân tộc Kinh và xảy ra ở cả khu vực nông thôn, thành thị. Theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số của Tổng Cục thống kê năm 2019, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số giảm nhưng vẫn ở mức cao, cứ 10 người dân tộc thiểu số thì có 2 người tảo hôn. Tình trạng tảo hôn chiếm tỷ lệ cao nhất là dân tộc Mông, chiếm tỷ lệ tảo hôn 51,5% dân số kết hôn trước tuổi quy định; tiếp đến là dân tộc Cơ Lao, chiếm 47,8%; dân tộc Mảng, chiếm 47,2%; dân tộc Xinh Mun, chiếm 44,8%. Tình trạng kết hôn cận huyết của người dân tộc thiểu số đã giảm nhưng vẫn tăng cao ở một số dân tộc như Mạ, Mảng, Cơ ho, Kháng, Chứt. Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do:

Thứ nhất, ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu. Phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của đồng bào từ nhiều đời nay ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào. Tình trạng cận huyết thống diễn ra ở các dân tộc thiểu số chủ yếu là do con cô, con cậu lấy nhau vì: “Con cô, con cậu thì xa/ con chú, con bác thì là anh em”. Qua khảo sát thực tế tại Bản Rào Tre của đồng bào Chứt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã có 7 cặp hôn nhân cận huyết thống. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, tình trạng tảo hôn trong đồng bào Chứt là phổ biến. Trong nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng và chính quyền huyện Hương Khê đã môi giới các cặp kết hôn, bỏ kinh phí 30 triệu đồng/đám cưới để cưới cho 5 cặp giữa người Chứt với người Kinh và người Chứt ở Hà Tĩnh với người Chứt ở Quảng Bình và được coi như là cuộc cách mạng thứ 3 của người Chứt về chế độ hôn nhân do hệ thống chính trị và Bộ đội Biên phòng giúp đỡ (lần thứ nhất là đưa người Chứt từ Hang đá về định cư, sống ổn định ở bản Rào Tre; lần thứ 2 là chuyển người Chứt từ chế độ săn bắn, hái lượm sang biết trồng trọt và canh tác lúa nước).

Thứ hai, do tác động, ảnh hưởng của mạng xã hội và sự dậy thì sớm của trẻ tuổi vị thành niên. Do tác động của mạng Internet và sự dậy thì sớm của trẻ vị thành niên dẫn đến hệ lụy có thai ngoài ý muốn đối với trẻ em tuổi vị thành niên nên bắt buộc gia đình phải tổ chức kết hôn trước tuổi (độ tuổi 16 đến 17 tuổi, thậm chí có trường hợp 13-14 tuổi). Đây là nguyên nhân khách quan làm gia tăng tình trạng tảo hôn đối với ở cả thành thị và nông thôn, đối với vùng dân tộc Kinh và vùng dân tộc thiểu số.

Thứ ba, sự buông lỏng quản lý của cán bộ, đảng viên ở cấp cơ sở. Việc loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu nói chung, loại bỏ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng ra khỏi đời sống xã hội chưa đạt được hiệu quả cao do sự can thiệp thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết từ phía cơ quan địa phương. Thực tế cho thấy, không chỉ những người dân mà cả gia đình cán bộ, đảng viên là lãnh đạo xã, thôn cũng tiếp tay, thậm chí tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra ngay trong gia đình của những người cán bộ này. Vì khi tổ chức đám cưới, cán bộ xã, thôn đều biết và vẫn đi uống rượu với gia chủ khi có con, cháu cưới vợ, gả chồng.

Thứ tư, do trình độ học vấn, kiến thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục. Trong nhiều năm qua, các địa phương đã đạt được những thành tựu về phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở nhưng đối với vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vẫn đang gặp phải các thách thức lớn về chất lượng giáo dục và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa nhóm dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, giữa nông thôn và thành thị và giữa các vùng, miền. Thực tế cho thấy, đối với đồng bào dân tộc thiểu số do trình độ học vấn thấp, với suy nghĩ không học được thì ở nhà lấy chồng, lấy vợ nên xảy ra tình trạng tảo hôn gia tăng trong cả đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào Kinh ở cả nông thôn và thành thị.



Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở địa phương vùng dân tộc thiểu số quan tâm, nhưng do kinh phí còn hạn chế (cụ thể qua khảo sát cho thấy, thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi Ban Dân tộc tỉnh chỉ được cấp 200 triệu đồng/năm để tổ chức tuyên truyền điểm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết) nên công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đồng thời, đội ngũ cộng tác viên dân số ở xã cũng ít phát huy được tác dụng tuyên truyền bởi vì đa số người có tuổi tham gia nên việc đi vận động, tuyên truyền gặp khó khăn, hơn nữa một bộ phận người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn chưa nhận thức hoặc chưa nắm vững về chế độ hôn nhân và gia đình, quyền và nghĩa vụ cũng như các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Vì vậy, phần lớn trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đều rơi vào các hộ nghèo, đối tượng vị thành niên, thanh niên thất học, hiểu biết pháp luật hạn chế và việc tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng còn khó khăn. Các chương trình truyền thông giáo dục về tác hại của hôn nhân cận huyết thống đến sức khỏe nòi giống còn nhiều hạn chế, nhiều đề án xây dựng, thực hiện mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đạt kết quả bước đầu nhưng lại thiếu bền vững.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, hệ thống chính trị các cấp ở vùng dân tộc thiểu số cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể như sau:

Một là, hệ thống chính trị các cấp cần đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiết thực, hiệu quả, tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân, gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở ở những địa phương có tỷ lệ gia tăng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở... Đồng thời, xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, một số cán bộ chính quyền ở cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, hệ thống Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp cần tăng cường đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động, hướng về cơ sở, phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận, Tổ dân vận, Chi hội các đoàn thể thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư. Phát huy vai trò của các đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể để giáo dục con, em hiểu được hậu quả, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu ngay từ trong gia đình và trong cộng đồng dân cư. Tăng cường vai trò của đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, đấu tranh bài trừ tại từng gia đình, từng khu dân cư nhằm thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống./.

Hà Thị Khiết
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng
nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất