Chủ Nhật, 5/1/2025
Tuyên Quang tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Đường bê tông  được đầu tư xây dựng mới 
ở thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang)

Chính quyền các cấp chú trọng đổi mới thực hiện công tác dân vận, tăng cường cải cách hành chính; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về công tác dân tộc; các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, nhà văn hóa, công trình thủy lợi…, các cơ chế chính sách, kế hoạch, đề án cụ thể đáp ứng lợi ích thiết thực của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp địa phương, cơ sở.

Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 99% số thôn có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có trường Mầm non, trường Tiểu học, trường THCS. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,57 triệu đồng/người/năm tăng 1,55 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo từ 27,81% (năm 2016) xuống còn 9,03%, trong đó dân tộc thiểu số giảm còn 15,03%; 113/138 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; có 8,5 bác sỹ/10.000 dân; 34,2 giường bệnh/10.000 dân; 100% đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 02 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, số tiêu chí bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, hội viên và nhân dân; triển khai, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng “Mái ấm tình thương”; duy trì và thực hiện các mô hình “thắp sáng đường quê”, tuyến đường hoa, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... qua đó thu hút, tập hợp, xây dựng và củng cố tổ chức từ cơ sở.

Tổ chức tốt các hoạt động biểu dương, khen thưởng người dân tộc thiểu số làm tốt công tác dân vận, gặp gỡ, thăm hỏi người có uy tín, các vị chức sắc tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó tạo mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", mở rộng các loại hình tập hợp quần chúng, tổ tự quản ở cơ sở; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Dân vận khéo" gắn với biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình, nội dung việc làm “Dân vận khéo” ở cơ sở. Kết quả giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh có trên 12.000 mô hình, nội dung, việc làm “Dân vận khéo”. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức trên 5.000 cuộc giám sát kinh tế - xã hội, việc thực hiện các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội với dự thảo các dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 02, ngày 23/5/2021 “về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội”; ban hành Hướng dẫn số 02, ngày 10/9/2021 “về việc vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở”. Theo đó thực hiện chủ trương: đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã dành ít nhất 01 ngày/tháng về thôn, bản theo phương châm "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân qua đó giúp cho đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang rèn luyện kỹ năng về phương pháp, kỹ năng vận động quần chúng, tiếp xúc và đối thoại với nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng công tác đảm bảo sát thực, hiệu quả. Qua triển khai đã tạo sự lan tỏa sâu rộng ở cơ sở, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và sự vào cuộc của nhân dân ở cơ sở.

Trong thời gian tiếp theo, để tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, hệ thống dân vận các cấp tỉnh Tuyên Quang xác định một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục tham mưu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trọng tâm là tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tham mưu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác dân vận, trong đó có công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với công tác dân vận và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chú trọng thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng, chia rẽ gây mất đoàn kết dân tộc, mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, tăng cường đưa tin trực tuyến trên mạng xã hội phù hợp với xu hướng mới như: Zalo, facebook, fanpage,...

Ba là, công tác dân vận tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia triển khai, thực hiện các nội dung trọng tâm, các khâu đột phá, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa"; Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn; Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang; Đề án về giảm nghèo bền vững; Đề án xóa nhà tạm dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Bốn là, tham mưu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo Đề án số 02, ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thực hiện có hiệu quả chủ trương đặt hàng, giao nhiệm vụ, công việc cụ thể cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu và cán bộ chuyên trách MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện những nội dung, phần việc trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Hướng dẫn số 02 ngày 10/9/2021 của Ban Dân vận Tỉnh ủy nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân. Tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách liên quan đến đoàn viên, hội viên và nhân dân đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"...

Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"... gắn với các phong trào thi đua do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Trong quá trình thực hiện xác định nội dung thi đua trọng tâm, trọng điểm và chỉ tiêu cụ thể, có phân công lãnh đạo, chỉ đạo, có kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá kết quả, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay, sáng tạo; làm tốt công tác tuyên truyền và kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, mô hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, đời sống xã hội.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 5.867,9 km2,dân số trên 88,29 vạn người, với 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,7%.

Sáu là, phối hợp tham mưu làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng ngũ cán bộ làm công tác dân vận, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp phải gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động nhân dân; có kỹ năng, phương pháp sâu sát quần chúng, thực sự "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", luôn xác định không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng những nội dung, việc làm cụ thể, luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền, đề xuất những giải pháp giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chủ trương giao việc đột phá, đổi mới đối với cán bộ, công chức Ban Dân vận Tỉnh ủy và cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp.

Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh thực hiện nghiêm và hiệu quả việc thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19; quyết tâm cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh giữ vững vùng xanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.

Nguyễn Hưng Vượng
UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất